Chiều 28/2, nhiều hãng thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đăng tin "không có thỏa thuận chung nào" đạt được giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc hội đàm tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội, từ ngày 27 - 28/2. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có thông điệp về hòa bình được đưa ra tại hội nghị trên.
Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ cho biết, mối quan hệ cá nhân của ông với Chủ tịch Kim Jong-un rất ấm áp. Cùng với đó, đại diện Nhà Trắng cũng đưa ra thông tin: "Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp mang tính xây dựng và tốt đẹp tại Hà Nội, Việt Nam, trong hai ngày 27 - 28/2. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế...".
Ai cũng hiểu, để đi đến một sự thống nhất về việc gỡ "nút thắt" trong quan điểm của lãnh đạo hai quốc gia là không thể đơn giản, cần phải có thêm thời gian. Song với Hà Nội - Việt Nam, hội nghị này đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ về niềm tin vào sự ổn định chính trị trong lòng bạn bè quốc tế. Qua hội nghị này, dư luận trong nước càng tăng thêm niềm tin sâu sắc vào đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng lên cao.
Thực tế cho thấy, việc chuẩn bị mọi điều kiện, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, một sự kiện được cả thế giới trông đợi, là lời khẳng định mạnh mẽ về một Việt Nam đang trên đà phát triển, một Việt Nam năng động, đổi mới, kiên trì và nhất quán trong đường lối ngoại giao, ổn định về an ninh, chính trị, người dân thân thiện hiếu khách và yêu chuộng hòa bình.
Việc Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là minh chứng cho thế giới thấy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Triều Tiên; mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, đang trên đà phát triển tốt đẹp.
Việc Việt Nam được chọn làm địa điểm diễn ra hội nghị và đã làm tốt vai trò chủ nhà của Hội nghị, cho thấy Việt Nam có đủ tiềm lực, điều kiện về cơ sở hạ tầng như: Khách sạn, phương tiện vận chuyển... và quan trọng nhất, đó chính là niềm tin về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc đăng cai một sự kiện mang tầm quốc tế.
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội - Việt Nam đăng cai sự kiện quốc tế, trước đó Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị cấp cao APEC…
Gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội - Việt Nam và liên tục cập nhật thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. Trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế đã đưa ra những nhận xét khá tích cực về Hà Nội - Việt Nam; tỏ ra bất ngờ trước những thay đổi ngoạn mục của Việt Nam về kinh tế, hạ tầng... và tin tưởng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa về mọi mặt trong thời gian không xa.
Một số nhà báo quốc tế còn nhận xét: "Chỉ có 10 ngày chuẩn bị, với khối lượng công việc khổng lồ, nhưng sự chuẩn bị của Việt Nam đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Mọi việc đều được tổ chức chu đáo, đường phố vẫn thông thoáng, giao thông không bị đình trệ, mọi người tuân thủ luật lệ."
Hình ảnh Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng được đông đảo bạn bè năm châu biết tới như một biểu tượng của hòa bình, đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, luôn nỗ lực góp phần vun đắp cho một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.