Thủ đô khởi nghiệp, sáng tạo
Thời gian qua, nhằm hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động và đặt mục tiêu khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chiến lược cho phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2018-2020, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Cụ thể, ngay từ năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4665/QĐ-UBND thực hiện Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Tháng 7/2019, HĐND thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025", trong đó có bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ hoạt động truyền thông; hỗ trợ hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ kinh phí phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng; hỗ trợ kinh phí thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Hà Nội 2019 (Hanoi Innovation Summit) được tổ chức vào ngày 29/8/2019 tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết sẽ lắng nghe tất cả các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời, sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các startup đến từ các quốc gia trên thế giới. Đây là cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu chính quyền thành phố nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Cùng ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện chiến lược về khởi nghiệp sẽ ra mắt vào cuối năm 2019. Đây là cơ sở để các địa phương phát triển các thế mạnh của mình và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 mang lại; đồng thời, tin tưởng với những gì đã làm được trong những năm qua, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương đi đầu về khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục gia tăng. Từ năm 1992 đến nay, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đạt con số kỷ lục với 88.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 30,5% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp của Hà Nội lên hơn 272.000 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng tại Hà Nội. Đây là lợi thế để Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước, tạo đà cho thành phố vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Hà Nội xứng đáng là "Thành phố vì hòa bình"
Hà Nội đang thực sự có bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển của đất nước hôm nay. Đặc biệt hơn, với những truyền thống lịch sử đáng tự hào và thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt những năm qua, Hà Nội đã là thành phố duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Còn nhớ cách đây 20 năm, ngày 16/7/1999, tại thành phố La Paz, Thủ đô nước Cộng hòa Bolivia, Hà Nội vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô Hà Nội trong quá trình đổi mới, cũng như khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. 20 năm trôi qua, Hà Nội vẫn là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận danh hiệu cao quý này. Đó là một vinh dự và cũng là một thách thức lớn để Hà Nội phấn đấu không ngừng cho một nền hòa bình trường tồn trên trái đất, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thịnh vượng và hội nhập.
Để được UNESCO chọn là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận Giải thưởng UNESCO - "Thành phố vì hòa bình" năm 1999, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí đề ra như: Có thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái… Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Hà Nội từng trải qua nhiều đau thương của hàng chục năm chiến tranh nhưng đã chuyển mình trên mọi mặt và vươn lên mạnh mẽ. Những thành tựu to lớn trong công cuộc phát triển của Thủ đô đã khơi dậy khát vọng, truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam và nguyện ước đó được quốc tế ghi nhận.
Cùng chặng đường hai thập kỷ phát triển mạnh mẽ và gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của người Tràng An thanh lịch, Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế, xứng đáng với danh xưng cao quý này, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả tại quán bình dân trong chuyến công du Việt Nam năm 2016; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè khi thăm Việt Nam vào tháng 2/2019 là những sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông khắp thế giới, qua đó truyền tải chân thực một không gian bình yên, một thành phố an toàn, cởi mở, đậm đà bản sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Đánh giá về những nỗ lực của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội trong việc duy trì các tiêu chí của UNESCO đưa ra để giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: 20 năm sau khi được trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội đã trở nên hướng ngoại hơn, trở thành một Thủ đô năng động, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động giao lưu, hợp tác khu vực và quốc tế. Dù tự hào về quá khứ, song, thành phố vẫn nhìn về tương lai và minh chứng là việc đăng ký gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO…
20 năm qua, danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" đã tạo nên động lực để Hà Nội phát triển. Hà Nội đã trở thành điểm đến an toàn thân thiện, được lựa chọn là nơi tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng mà gần đây nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Đó là những góc sáng trong nỗ lực xây dựng thành phố vì hòa bình đủ để khẳng định Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng điều quan trọng là thành phố sẽ có hướng đi ra sao để giữ gìn, phát huy danh hiệu quý này, trong bối cảnh phát triển và hội nhập đi đôi với gìn giữ truyền thống văn hóa đất Thăng Long.
Bài cuối: Gìn giữ truyền thống văn hóa đất Thăng Long