Dự phiên giải trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.
Phát biểu tại phiên giải trình, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh mục đích nhằm đánh giá đầy đủ, khách quan kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với một số sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND thành phố và chính quyền các cấp.
Từ đó thấy được những mặt tích cực; chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiến nghị, đề xuất biện pháp giải quyết những bất cập, tồn tại, hạn chế. Điểm mới của phiên giải trình lần này không chỉ ở các sở, lãnh đạo quận, mà HĐND thành phố còn mời lãnh đạo các xã, phường đang tồn tại nhiều vi phạm và 30 Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng ở quận, huyện, thị xã cùng tham dự và giải trình, nhằm đưa ra giải pháp thiết thực nhất cho công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Qua báo cáo, tổng số 2.518 dự án đã được rà soát. Số dự án có vi phạm trật tự xây dựng là 232 trường hợp, trong đó xây dựng không phép có 99 trường hợp, xây dựng sai phép có 85 trường hợp, xây dựng sai quy hoạch, sai thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có 31 trường hợp, xây dựng công trình có tác động đến chất lượng công trình lân cận, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư có 17 trường hợp.
Giải trình về các công trình vi phạm trên địa bàn, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Trần Huy Hoàng cho biết: Hiện các công trình sai phạm đã có quyết định xử phạt và cưỡng chế. Sau đó, các chủ nhà có đơn đề nghị tự nguyện phá dỡ. Hiện nay, 2 hộ gia đình đang tháo dỡ theo quy định, đảm bảo kế hoạch.
Ông Vũ Hồng Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) giải trình và nhận trách nhiệm trong quá trình xử lý sai phạm đã thực hiện chậm so với quy định. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục xử lý đối với 16 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức cho biết, để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng có nhiều nguyên nhân. Trong thời gian tới, huyện Hoài Đức xác định, quản lý đất đai, trật tự xây dựng là trọng tâm công tác của cả hệ thống chính trị huyện. UBND huyện Hoài Đức đang tiến hành phân loại các trường hợp vi phạm để xử lý dứt điểm.
Giải trình về sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất công ích, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Qua các năm, Sở đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, hiện đã có kết luận thanh tra quản lý đất công trên địa bàn 30 quận, huyện. Đối với từng nhóm vi phạm như vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển nhượng đất trái quy định…
Sở đã đề xuất các giải pháp để xử lý. Trước năm 2014, tỷ lệ vi phạm là 81%, sau đó giảm xuống còn 19%. Sở kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 chủ tịch UBND xã; 61 công chức địa chính ở 58 xã phường, thị trấn. Sở sẽ tiếp tục giám sát, đôn đốc các quận, huyện để xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục thừa nhận, trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm trường hợp nào.
Các quận, huyện còn nhiều công trình tồn đọng là: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thạch Thất, Hoài Đức.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng báo cáo không chính xác và nhận một phần trách nhiệm về tình trạng này. Sở Xây dựng đã đề ra kế hoạch, trong tháng 4 phấn đấu giải quyết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thẩm quyền và đề ra tiến độ xử lý đối với 80 trường hợp còn tồn đọng.
“Cái gì vượt thẩm quyền thì phải mạnh dạn đề xuất, đồng thời phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý vi phạm”, ông Lê Văn Dục nói.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tiếp thu các ý kiến đại biểu và khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, thành phố tiếp tục giám sát chặt chẽ việc thực hiện của UBND các quận, huyện, xã, phường đối với các nội dung đã nêu.
Để xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng được hiệu quả, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, cần luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ thầu và cá nhân vi phạm trật tự xây dựng. Mặt khác, thành phố sẽ quy định rõ cần có sự vào cuộc quyết liệt của bí thư các quận, huyện, xã, phường trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị các địa phương đổi mới công tác tuyên truyền để người dân thực hiện đúng pháp luật; UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác quản lý, bảo đảm từng địa phương, các cấp, các ngành phải rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm được giao.