Đặc biệt, nhiều nữ cán bộ, chiến sĩ phải tạm gác chuyện gia đình, bỏ lại phía sau niềm vui cá nhân để ngày đêm cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Những ngày này, mục sở thị những đơn vị đang trực tiếp đang thực hiện nhiệm vụ làm căn cước cho người dân mới thấy rõ được sự tận tâm, hết lòng vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội.
Những người truyền cảm hứng
Nhiều ngày qua, cứ 7 giờ sáng, các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Ba Đình đã có mặt tại điểm làm căn cước công dân lưu động tại phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) để phục vụ người dân. Mỗi người một việc, người kiểm tra giấy tờ, người lấy dấu vân tay... Công việc được phối hợp nhịp nhàng, tạo thành một quy trình khép kín để làm căn cước cho người dân nhanh, thuận tiện nhất.
Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây đều cùng quan điểm, dù có khó khăn, vất vả nhưng ai cũng cảm thấy tự hào khi được góp mặt, chung sức, "cháy" hết mình trong "chiến dịch đặc biệt" phục vụ nhân dân Thủ đô…
Vừa hoàn thành xong thủ tục làm căn cước công dân gắn chíp điện tử, ông Đỗ Quang Việt (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) vui mừng nói: Các cán bộ, chiến sĩ Công an ở đây rất ân cần, hướng dẫn nhiệt tình, tạo điều kiện người dân hoàn thành thủ tục làm căn cước công dân. Làm căn cước công dân có gắn chíp điện tử là một việc làm rất cần thiết, tích hợp được nhiều thông tin, tiện lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau này. Do đó, mọi người nên chủ động đến các địa điểm đã được thông báo để làm căn cước công dân. Như vậy vừa đảm bảo quyền lợi cá nhân, vừa chia sẻ, phối hợp với lực lượng Công an sớm hoàn thành mục tiêu cấp đủ căn cước công dân.
Theo quan sát của phóng viên trong sáng 23/3, điểm cấp căn cước công dân lưu động tại phường Giảng Võ hoạt động từ rất sớm, mỗi lúc một đông hơn. Những người cao tuổi, người người khuyết tật phải dùng xe lăn luôn được lực lượng Công an hỗ trợ, thậm chí cõng, đưa vào bàn làm thủ tục. Những hình ảnh đẹp, bình dị này xuất hiện rất nhiều trong những ngày qua, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân, hết lòng vì nhân dân phục vụ.
Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Ba Đình chia sẻ: Vào khoảng 24 giờ ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, tại điểm làm căn cước công dân phường Phúc Xá, vẫn còn 3 nữ cán bộ, chiến sĩ Công an đang làm nhiệm vụ. Nhiều người dân xúc động về tinh thần làm việc hết mình vì nhân dân ấy đã tặng các chị một bó hoa tươi thắm. Việc làm đó khiến các nữ cán bộ, chiến sĩ cảm thấy ấm lòng vì được người dân chia sẻ và yêu thương.
Hết lòng phục vụ nhân dân
Theo ghi nhận, ngay từ những ngày đầu thực hiện chiến dịch, Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã khẩn trương bắt tay vào công việc, tăng cường quân số với tinh thần "làm hết việc, không hết giờ", thậm chí có những đơn vị đã làm xuyên đêm để kịp thời phục vụ người dân.
Khoảng 23 giờ ngày 23/3, tại điểm làm căn cước công dân ở Nhà văn hóa khu dân cư số 10, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn sáng đèn và còn một số người dân đang đợi.
Đại úy Trần Mạnh Thắng (Công an quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Tôi và các đồng đội đang căng mình thực hiện nhiệm vụ làm căn cước công dân, phục vụ người dân theo 3 ca (sáng từ 7 - 13 giờ, chiều từ 13 - 19 giờ và tối từ 19- 24 giờ). Có những ngày, đến gần 24 giờ vẫn còn người theo thứ tự xếp hàng để làm căn cước công dân, lực lượng làm nhiệm vụ vẫn nhiệt tình phục vụ người dân hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Tương tự, tại các điểm làm căn cước công dân lưu động trên địa bàn quận Long Biên, công tác triển khai làm căn cước công dân cũng đang được các cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an quận Long Biên thực hiện rất tích cực, với nhiều cách làm sáng tạo.
Ghi nhận ở điểm làm căn cước công dân lưu động tại phường Bồ Đề cho thấy, việc triển khai công tác này rất khoa học. Cụ thể, ngoài việc bảo vệ an ninh trật tự, hướng dẫn người dân giữ khoảng cách an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong phòng làm căn cước, Công an phường Bồ Đề còn liên hệ trước với người dân đến làm căn cước lưu động theo từng nhóm với khung giờ nhất định, để mọi việc được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Có thể nói, công tác triển khai làm căn cước công dân tại những quận nội đô của Hà Nội rất bài bản và thuận tiện cho người dân. Nhưng tại một số huyện ngoại thành do đặc điểm địa lý, phân bố dân cư, tập quán lao động, sản xuất... còn có một vài khó khăn cho việc thực hiện.
Chúng tôi về huyện Đông Anh gặp Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, người đang cùng đồng đội ngày đêm nỗ lực thực hiện nhiệm vụ làm căn cước công dân, phục vụ nhân dân. Hiện trung bình mỗi ngày, Công an huyện Đông Anh giải quyết từ 350 - 400 trường hợp làm căn cước công dân.
Trên khuôn mặt còn nét mệt mỏi sau những đêm ngủ chưa đủ giấc, Thượng tá Khuất Mạnh Thuyết chia sẻ: Địa bàn huyện Đông Anh rất rộng, phần đông người dân đi buôn bán ở các nơi xa... nên có khó khăn trong việc triển khai làm căn cước công dân. Nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ, chiến sĩ Công an từ huyện tới các xã, đặc biệt là với nhiều cách làm sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đến nay việc làm căn cước công dân trên toàn địa bàn huyện được thực hiện khá hiệu quả.
Thần tốc, sáng tạo
Với phương châm "Thần tốc, sáng tạo; phát huy cao độ các nguồn lực; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu" và thực hiện mỗi ngày làm việc 15 giờ, Công an thành phố Hà Nội đang tập trung cho mục tiêu thu nhận trên 6 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử từ ngày 1/3 - 5/6.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, với phương châm này, xác định không đợi người dân đến mà đến phục vụ nhân dân, do vậy Công an thành phố Hà Nội đã triển khai hơn 100 điểm cấp lưu động trên toàn thành phố.
Các khâu thực hiện đều được chuyên môn hóa, đảm bảo thời gian xử lý công việc nhanh, chuyên nghiệp nhất. Công tác tuyển chọn cán bộ của từng khâu được thực hiện rất kỹ. Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác điều tra cơ bản, phân loại công dân theo từng nhóm để triển khai như khu vực làng nghề, trường học, đô thị và nông thôn ... để có những cách làm cụ thể, phù hợp. Tính đến thời điểm này, các đơn vị trên toàn địa bàn thành phố đều đạt chỉ tiêu về thu nhận hồ sơ căn cước công dân.
Đại tá Nguyễn Hồng Ky cũng khẳng định: Chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân không có khả năng định vị mà chỉ có tác dụng mã hóa các dữ liệu cơ bản của công dân (họ tên, quê quán, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng...). Thẻ căn cước công dân gắn chíp sẽ hiển thị 7 trường thông tin cơ bản của công dân gồm: Số căn cước công dân, số chứng minh nhân dân cũ, họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, hộ khẩu thường trú, ngày cấp căn cước công dân.
Ngoài ra, thẻ căn cước công dân mẫu mới có nhiều tính năng ưu việt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, giúp người dân giảm thủ tục hành chính, góp phần hoàn thiện Chính phủ điện tử.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trưởng Công an quận Long Biên cho biết thêm, mẫu căn cước công dân mới có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng khi tiến hành các giao dịch, thủ tục hành chính. Đặc biệt, việc cấp căn cước công dân mẫu mới có ý nghĩa quan trọng đối với toàn xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ cấp căn cước công dân mẫu mới.