Với khát vọng vươn lên bằng sự sáng tạo, tăng cường kết nối quốc tế, Hà Nội đã hoàn thành nộp hồ sơ ứng cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019. Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững, với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Chọn lĩnh vực thiết kế là trung tâm xây dựng Thành phố sáng tạo
Mục tiêu xây dựng Thành phố sáng tạo là dựa trên nền tảng văn hóa, nguồn lực văn hóa để sáng tạo văn hóa và phát triển đô thị một cách bền vững; đồng nghĩa với việc không thể lấy nguyên bản truyền thống văn hóa phát triển đô thị mà phải sáng tạo, nâng tầm nó lên để phát triển đô thị một cách bền vững.
Trong 7 lĩnh vực được chọn để xây dựng Thành phố sáng tạo gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông, ẩm thực, Hà Nội đã mạnh dạn chọn lĩnh vực thiết kế. Mặc dù, Hà Nội vốn có thế mạnh trong lĩnh vực ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nhưng thành phố chọn lĩnh vực thiết kế, bởi lĩnh vực này liên quan mật thiết với 6 lĩnh vực còn lại.
Hơn nữa, khi chọn lĩnh vực thiết kế, Hà Nội có nhiều hơn cơ hội trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đây cũng là lĩnh vực được nhiều thủ đô của các nước lựa chọn nhất, hiện đã có 31 thành phố, trong đó 12 thủ đô các nước lấy lĩnh vực thiết kế để xây dựng Thành phố sáng tạo.
Không thể như Dubai với ưu thế sáng tạo thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại, sáng tạo bề mặt kiến trúc đô thị hay Singapore sáng tạo thiết kế giao thông, môi trường, Hà Nội lựa chọn sáng tạo thiết kế không gian văn hóa, là vấn đề được cộng đồng quan tâm.
Thực tế, Hà Nội có nhiều cơ sở và không gian văn hóa dành riêng cho việc thực hiện, quảng bá, phổ biến thiết kế sáng tạo liên quan, hướng đến công chúng cũng như đối tượng, khán giả cụ thể. Đó là Bảo tàng Hà Nội thường xuyên kết nối với các nhà trường tổ chức chương trình “giáo dục không chính thức”, tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá kiến thức thông qua hoạt động trải nghiệm.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu hiện vật gốc mang tính chất trình diễn, tận dụng kỹ thuật ánh sáng, sắp đặt, tạo không gian trải nghiệm thực tế hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Thành phố vì hòa bình, Hà Nội tổ chức một chương trình nghệ thuật lớn với các thiết kế sáng tạo, góp phần cải tạo không gian đô thị, kết nối công chúng. Ngoài ra, Hà Nội còn có khoảng 70 không gian sáng tạo dành riêng cho nhóm đối tượng cụ thể.
Riêng 3 năm qua, Hà Nội có nhiều chương trình, dự án lớn thúc đẩy sự tham gia rộng rãi vào đời sống văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tạo và các dự án nhằm vào nhóm xã hội bị thiệt thòi.
Có thể thấy rõ là không gian Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm với kiến trúc cổ kính đã hội tụ nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa quốc tế, trong đó có các hoạt động biểu diễn nghệ thuật gây quỹ từ thiện, thu hút sự tham gia của du khách trong và ngoài nước.
Tại Hợp tác xã Vụn Art (làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông), từ mảnh vải vụn bỏ đi, qua bàn tay cần cù, khéo léo và sáng tạo của người khuyết tật đã biến thành những bức tranh sinh động. Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam tôn vinh nét tinh túy văn hóa đồng bằng Bắc Bộ với sự tham gia của 200 diễn viên nông dân.
Cùng với đó, Hà Nội xây dựng nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các chủ thể khác nhau, gồm: Chính quyền thành phố, khu vực tư nhân, nhà sáng tạo, xã hội dân sự, học viện và các bên liên quan khác. Cụ thể như các dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, trồng mới 1 triệu cây xanh, đề án tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội…
Những đóng góp của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ ứng cử cho biết, Hà Nội đã xây dựng ba sáng kiến, chương trình, dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp thành phố bằng cách đẩy mạnh vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững.
Thứ nhất đó là Hà Nội sẽ kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thứ hai, Hà Nội xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo trên địa bàn.
Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội sẽ cung cấp một nền tảng cho thiết kế, thủ công và văn hóa trong thành phố, thông qua sự cống hiến của các khu vực trung tâm cho những lĩnh vực này. Một sáng kiến quan trọng khác của Mạng lưới không gian sáng tạo Hà Nội sẽ là xây dựng một khu chuyên dụng dành cho việc thiết kế, thủ công và nghệ thuật, nằm liền kề sông Hồng, có thể đặt dưới sự điều hành chung của Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội.
Mở rộng ra, các mô típ sáng tạo được sử dụng trong khu vực sáng tạo này cũng sẽ được sử dụng tại khu vực khác trong thành phố, tạo thành một hệ sinh thái sáng tạo chung. Tiêu biểu là không gian thông minh tại Bảo tàng Hà Nội, được sắp đặt ứng dụng công nghệ hiện đại, bố trí thiết bị mang tính tương tác cao (trải nghiệm không gian 3D, thực tế ảo). Thành phố thông minh Đông Anh cung cấp hệ thống công nghệ phục vụ hoạt động thiết kế sáng tạo tích hợp các yếu tố thiết kế lấy cảm hứng từ những làng nghề thủ công truyền thống.
Ngoài ra, mạng lưới này cũng sẽ có sự kết nối chặt chẽ với khoảng 70 không gian sáng tạo nhỏ đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Thứ ba là Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng Sáng tạo Hà Nội.
Một chuỗi các chương trình truyền hình (talk show, game show & live show) sẽ được Đài Truyền hình Hà Nội và các báo điện tử tại Hà Nội tổ chức, với sự phối hợp của kênh truyền hình dành cho giới trẻ VTV6, tạo ra sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trên tất cả lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo.
Bà Phạm Thị Lan Anh cho biết, trong hồ sơ, thành phố cũng trình bày ba sáng kiến, chương trình, dự án lớn, hướng tới các mục tiêu của Mạng lưới ở cấp độ quốc tế, đặc biệt là dự án liên quan đến các thành phố thành viên khác thuộc Mạng lưới.
Thứ nhất, đó là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội. Lễ hội được tổ chức hàng năm bao gồm một loạt sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành, công chúng, nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội và trên toàn cầu.
Các nhà thiết kế đến từ các thành phố thành viên của Mạng lưới sẽ được mời đến Hà Nội để trình bày tác phẩm của họ trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đồng thời tạo không gian cho thành viên thảo luận về cơ hội hợp tác.
Thứ hai là Diễn đàn mạng lưới Các thành phố Sáng tạo Đông Nam Á. Diễn đàn sẽ diễn ra tại Hà Nội để hỗ trợ trao đổi kiến thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Những người tham gia sẽ gồm các bên liên quan khác nhau: Chính quyền thành phố, tổ chức nghiên cứu và đào tạo quốc tế, doanh nghiệp và tổ chức thực hành thiết kế sáng tạo trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo tại Đông Nam Á.
Thứ ba là Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Mạng lưới do Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội mang trong mình sứ mệnh tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, từ đó cung cấp hỗ trợ và cơ hội cho người có tham vọng tạo ra các thành phố của tương lai.
Tháng 11 tới, UNESCO sẽ họp thông qua hồ sơ ứng cử của Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo. Nếu thành công, Hà Nội sẽ ghi tên thành phố thứ 181 trên thế giới trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO và thủ đô thứ 32 về sáng tạo thiết kế, qua đó vai trò, vị thế của Hà Nội được nâng lên, cơ hội trao đổi, hợp tác ngày càng lớn hơn.