Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cùng dự buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp (độ tuổi trẻ bị xâm hại, đối tượng xâm hại trẻ, tính chất mức độ nghiêm trọng của các vụ xâm hại). Mặc dù phương thức thủ đoạn của đối tượng không mới nhưng do nhận thức, đặc điểm tâm lý nên trẻ em vẫn là nhóm tuổi dễ bị xâm hại; có những trường hợp bị xâm hại cũng chưa được phát hiện kịp thời. Thống kê về các vụ xâm hại trẻ em chủ yếu là bạo lực về thể chất, xâm hại tình dục, chưa ghi nhận rõ ràng, một cách độc lập các vụ xâm hại về tinh thần như hành vi xúc phạm nhân phẩm, gây áp lực, cô lập trẻ, sao nhãng trẻ… Điều này sẽ dẫn đến sự đánh giá vừa thiếu đầy đủ, vừa phiến diện về tình hình xâm hại trẻ em.
Cụ thể, tính từ 1/1/2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 322 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 51 trẻ bị bạo lực, 29 trẻ bị xâm hại tình dục, 235 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và 7 trẻ bị mua bán. Tất cả trẻ em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng, tổn thương theo các mức độ khác nhau về thể chất, tinh thần, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường của trẻ về tâm lý, giới tính… Hậu quả của hành vi này gây ra cho xã hội là không thể phủ nhận, ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội, sự tấn công trực diện đến các nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin, lo sợ trong dư luận xã hội.
Thời gian tới, UBND thành phố cùng với các sở, ngành liên quan tiếp tục xây dựng văn bản chỉ đạo, thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tế. Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em nhằm đảm bảo sự cam kết chặt chẽ của các cấp, ngành, cộng đồng, gia đình và bản thân trẻ em trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; nghiên cứu tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp đến học sinh, phụ huynh học sinh về kiến thức phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thành phố sẽ tăng cường công tác rà soát, tổng hợp, nắm chắc số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị bạo lực, xâm hại làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng chống và can thiệp, hỗ trợ hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại; 100% trẻ em trong các vụ việc được can thiệp, trợ giúp kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình, đề án của Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, chăm lo, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, đảm bảo việc thực hiện các quyền trẻ em, tạo điều kiện cho mọi trẻ em được phát triển toàn diện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Đợt giám sát nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố. Yêu cầu quan trọng đặt ra là phải đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được, cùng khó khăn, vướng mắc cũng như làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã có nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình chung ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước có xu hướng gia tăng về tình trạng xâm hại trẻ em với diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hà Nội cần đánh giá, phân tích sâu hơn về việc đối tượng xâm hại trẻ em, nhất là những người thân, quen (trong gia đình, hàng xóm…). Ngoài ra, thành phố cần có giải pháp cụ thể để có “gia đình an toàn”, “nhà trường an toàn”, “cộng đồng an toàn”, “phường, xã thân thiện”..., nhằm hạn chế tối đa những rủi ro, xâm hại có thể xảy ra đối với trẻ em.
Nhiều đại biểu trong Đoàn Giám sát cũng cho rằng: Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Cho rằng số liệu thống kê trong báo cáo có thể chưa phải là bức tranh thực tế của tình hình này vì những hành vi xâm hại ở nhiều mức độ khác nhau, Đoàn giám sát đề nghị thành phố có nhiều hình thức phong phú, đa dạng hơn nữa, để huy động các lực lượng đoàn thể, cộng đồng vào công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; trong đó, phải xác định là phòng ngừa là chủ yếu; cần hướng dẫn không chỉ cho trẻ em, còn cho cả bố, mẹ, người thân kỹ năng bảo vệ trẻ em.
Tiếp thu ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu trong đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều được đưa vào các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm. Thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết và nghiên cứu nâng cấp lên thành nghị quyết riêng của HĐND về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh đó, dù khu vực nội thành còn khó khăn về quỹ đất nhưng trong những năm qua, thành phố đã thu hồi một số trụ sở để xây trường học; phấn đấu đến cuối năm 2020, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em luôn được chú trọng. Thành phố yêu cầu tất cả các nhà cao tầng đều phải đầu tư thiết chế văn hóa cho trẻ; lắp trang thiết bị vui chơi trẻ em tại các khu tập thể, chung cư; khuyến khích đầu tư xã hội hóa các khu vui chơi trẻ em; mỗi điểm trường đều phải có thiết chế văn hóa cho học sinh…