Hải Dương đánh giá chỉ số cải cách hành chính đối với 17 sở, ngành, Ban quản lý các Khu công nghiệp và 12 huyện, thị xã, thành phố theo 7 nội dung: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Đối với công tác cải cách hành chính, Hải Dương đánh giá thông qua điều tra xã hội học, lấy ý kiến đánh giá của các tổ chức và ý kiến của người dân, doanh nghiệp đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (SIPAS).
Theo kết quả chấm điểm chỉ số cải cách hành chính ở các sở, ban, ngành, xếp thứ nhất là Sở Giao thông vận tải; thứ hai là Sở Nội vụ; thứ ba là Sở Khoa học và Công nghệ và đứng cuối cùng là Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Sở Y tế. Đối với UBND cấp huyện, đứng thứ nhất là huyện Nam Sách, thứ hai là Kim Thành, thứ ba là thành phố Chí Linh và đứng cuối là huyện Tứ Kỳ và Thanh Hà.
Cùng với đó, Hải Dương đã đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về thực hiện công tác cải cách hành chính để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về cải cách hành chính.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tập trung, đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính theo kế hoạch gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm. Các sở, ngành, địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây khó khăn phiền hà cho người dân, tổ chức.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý; tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian, thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư của tỉnh, nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới, quản lý tốt môi trường khi có doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế trong công tác cải cách hành chính của tỉnh như: Một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt để triển khai các giải pháp có tính đột phá nhằm tạo ra sự chuyển biến rõ rệt; một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực, chậm đổi mới về tư duy, thậm chí có biểu hiện gây chậm trễ, phiền hà cho người dân, tổ chức.
Công tác tham mưu, phối hợp của một số sở, ban, ngành còn thụ động, chưa tích cực, chưa kịp thời, có nơi còn thiếu trách nhiệm, thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn kéo dài. Trong các nội dung về cải cách hành chính, hai nội dung là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số vẫn chưa được một số cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức, nên kết quả thẩm định Chỉ số điểm ở hai nội dung này còn thấp. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính chưa được nêu cao, chưa sát sao, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Tại Hội nghị, 7 tập thể, 11 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương do có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính năm 2022.