Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, về công tác chống dịch của tỉnh trong thời gian qua.
Thưa ông, đến nay, tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát như thế nào tại Hải Dương?
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hải Dương đã quyết liệt bằng nhiều biện pháp, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Đến thời điểm này, Hải Dương đã cơ bản ngăn chặn, kiểm soát hoàn toàn dịch COVID-19, không có lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã nhiều ngày không có ca bệnh mới. Trên địa bàn Hải Dương không còn khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Toàn tỉnh chỉ còn 278 người phải cách ly, trong đó 116 trường hợp cách ly tại bệnh viện và các cơ sở khác; 162 trường hợp cách ly tại nhà và nơi cư trú. Các mẫu xét nghiệm sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh đều cho kết quả âm tính.
Tất cả các lái xe, sinh viên và những người được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trong toàn tỉnh cũng đều có kết quả âm tính. Tỉnh Hải Dương có hơn 14.000 doanh nghiệp thì đến nay đã có 95% số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trở lại hoạt động trong điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh…
Ông có thể chia sẻ lý do vì sao đợt dịch này tại Hải Dương lại khó được khống chế hơn so với các địa phương khác?
Việc khống chế, dập dịch của tỉnh Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đối mặt với chủng virus biến thể có tốc độ lây lan gấp nhiều lần so với chủng cũ.
Tại Chí Linh, dịch bùng phát trong Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử POYUN Việt Nam, một doanh nghiệp có đông công nhân với 2.340 lao động. Dịch lại được phát hiện rất muộn, khi một công nhân đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản thì mới phát hiện được. Chúng tôi xét nghiệm cho toàn bộ công nhân của công ty này thì phát hiện 176 người nhiễm SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm lớn chưa từng có trong một đơn vị doanh nghiệp. Đến nay, riêng tại Công ty POYUN có trên 300 ca mắc được ghi nhận, chiếm gần 50% số ca mắc của tỉnh Hải Dương. Hơn nữa, dịch lại diễn ra thời điểm giáp Tết nên việc ngăn chặn sự lây lan của dịch gặp khó khăn hơn các thời điểm khác.
Còn tại Cẩm Giàng, dịch bùng phát không rõ nguồn lây với các yếu tố dịch tễ của các ca bệnh hết sức phức tạp.
Tại thành phố Hải Dương, dịch bùng phát với chủng virus biến thể Nam Phi.
Cùng một lúc, Hải Dương phải đối mặt với 3 nơi bùng phát dịch, có 2 chủng virus khác nhau. Cho nên, công tác phòng, chống dịch trở nên rất khó khăn, dai dẳng, mất nhiều thời gian.
Thưa ông, trong tình hình phức tạp như vậy, Hải Dương nhận được những sự hỗ trợ như thế nào để sớm khống chế được dịch bệnh?
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, rất may là chúng tôi đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, động viên của Trung ương và các địa phương cùng nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã luôn sát cánh, đồng hành, chia sẻ và tiếp thêm sức mạnh tinh thần và vật chất cho Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go này.
Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ về mặt chuyên môn của Bộ Y tế, sự hỗ trợ đắc lực của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.
Các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã đồng hành, giúp đỡ chúng tôi. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng giúp chúng tôi về nguồn lực, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho Hải Dương trong lúc khó khăn vì dịch.
Đây là sự giúp đỡ vô cùng quý giá, chúng tôi hết sức trân trọng, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương, xin gửi những lời cám ơn chân thành nhất vì những sự giúp đỡ, hỗ trợ đó.
Thưa ông, trải qua thời gian chống dịch vừa rồi, Hải Dương đã rút ra được những kinh nghiệm gì?
Trong suốt hơn 2 tháng chống dịch vừa qua, chúng tôi đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm và nhận thấy những bài học này không chỉ giúp Hải Dương trong quá trình phòng, chống dịch bệnh mà có thể giúp các địa phương khác từ thực tiễn chống dịch tại Hải Dương để có những giải pháp phù hợp với mình.
Đó là, phải giành thế chủ động và thực hiện đồng bộ, thần tốc các giải pháp phát hiện, khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị và dập dịch với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch. Tất cả các cơ quan phải phối hợp nhịp nhàng để có được sự phản ứng nhanh nhất. Đây là bài học rất sâu sắc.
Cùng với đó, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, nêu cao vai trò của cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu phòng, chống dịch và phát huy vai trò của nhân dân. Phải phát động được một cuộc “chiến tranh nhân dân” chống COVID-19 thì mới thành công, với tinh thần mỗi người tự phòng dịch cho chính mình đó mới là liều vaccine tốt nhất. Chúng tôi đã phát huy cao độ vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân của mỗi người dân. Cùng với đó, Tổ giám sát và phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng cũng là vũ khí sắc bén trong công tác phòng, chống dịch tại Hải Dương.
Tiếp đó là phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu và siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, cần phê bình, kiểm điểm nghiêm với những tổ chức, cá nhân, nhất là các cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, còn lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
Cuối cùng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phải luôn luôn phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, đây là giải pháp quyết định hiệu quả phòng, chống dịch. Hơn lúc nào hết, cấp ủy phải đưa ra những chỉ đạo kịp thời, phân công rõ người, rõ việc theo tinh thần "5 rõ" của tỉnh Hải Dương. Cùng với đó, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, sâu sát đến từng khu dân cư để đảm bảo tất cả các biện pháp được triển khai tới từng người dân.
Trong đó, bài học lớn nhất là dựa vào sức mạnh của nhân dân, huy động được mọi người dân cùng tham gia phòng, chống dịch. Mỗi người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Thực tế cho thấy, dù chúng ta có bao nhiêu lực lượng, giải pháp, nguồn lực nhưng nếu nhân dân không đồng thuận, đồng lòng tích cực ủng hộ và không tự bảo vệ mình thì những giải pháp chống dịch không đạt được hiệu quả.
Bước sang giai đoạn bình thường mới, Hải Dương sẽ tập trung những nhiệm vụ gì để thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế?
Từ 0 giờ ngày 1/4, toàn tỉnh Hải Dương đã kết thúc thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ và chuyển sang trạng thái bình thường mới, tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch COVID-19 vừa tích cực khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống người dân, nhất là những người chịu tác động của dịch bệnh.
Chúng tôi sẽ vẫn duy trì hoạt động của Sở Chỉ huy tình trạng khẩn cấp về y tế tỉnh, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh, các đội phản ứng nhanh của cấp huyện. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "4 tại chỗ" và "5 rõ", chủ động ứng phó với bất cứ tình huống dịch bệnh phát sinh.
Hải Dương tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19; xây dựng các kịch bản ứng phó một cách chủ động với dịch trong mọi tình huống.
Ngoài ra, Hải Dương tăng cường tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), duy trì đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và ở nơi công cộng; khuyến cáo người dân, cơ quan, doanh nghiệp hạn chế liên hoan, ăn uống, giao lưu, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch bệnh khi tổ chức đám tang, lễ cưới, sự kiện tập trung đông người...
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Hải Dương tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng và Tổ an toàn (chống) COVID-19 trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Các trường hợp F0, F1 cần được quản lý chặt chẽ sau khi ra viện, hoặc hết thời gian cách ly tập trung, tiếp tục cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định. Tiếp tục thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 100% đối tượng có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng.
Hải Dương cũng tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra việc cam kết đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp và xử lý nghiêm các vi phạm; định kỳ, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với các chuyên gia, người lao động trong các doanh nghiệp để kịp thời phát hiện nguy cơ về dịch bệnh. Công nhân quay trở lại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh làm việc phải được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính mới cho đi làm.
Hải Dương cũng tập trung quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp nhập cảnh phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục tự cách ly tại doanh nghiệp hoặc tại nơi tạm trú trong 7 ngày và phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi trở lại làm việc.
Vừa qua, Hải Dương đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ trong việc phòng chống dịch. Trong thời gian tới, tỉnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ của các bộ ngành các địa phương về cơ chế, chính sách để Hải Dương có bước phát triển bứt phá: vừa đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông!