Hạn chế tình trạng trục lợi, gian lận, lạm dụng, tiến tới đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2014 ngành Bảo hiểm Xã hội, tổ chức sáng 7/1. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Ảnh: TTXVN
|
Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2013, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ước đạt trên 62,9 triệu người, số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng tăng nhanh, năm 2013 ước đạt gần 164,4 tỷ đồng, tăng 18,5% so cùng kỳ năm 2012. Các chế độ chính sách đối với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện kịp thời, đúng quy định theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, quyền lợi của nhân dân và người lao động ngày càng được nâng cao, với chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cải tiến, quỹ bảo hiểm y tế được cân đối và có kết dư để dự phòng.
Công tác quản lý tài chính, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đảm bảo đầy đủ, an toàn thông qua nhiều hình thức chi trả phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho người thụ hưởng chế độ; thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương, một trong những tồn tại kéo dài trong toàn ngành thời gian qua đó là tình trạng trốn đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội còn cao, xảy ra ở tất cả các địa phương nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục dứt điểm. Bên cạnh đó, chất lượng phục vụ, cung cấp các dịch vụ y tế của các cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tại tuyến y tế cơ sở, trong khi đó tuyến trên cơ sở số bệnh nhân đến khám chữa bệnh lớn dẫn đến quá tải.
Tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, thể hiện qua việc chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết so với tình trạng bệnh lý; kê sai số lượng, đơn giá thuốc... Vai trò của cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác tham gia đấu thầu thuốc còn hạn chế và chưa rõ ràng.
Năm 2014, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phấn đấu nâng tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lên 218,8 tỷ đồng, trong đó tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư tài chính là 25.500 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ.
Biểu dương những nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị năm 2014, toàn ngành chủ động tham mưu, hoàn thiện các cơ chế chính sách, các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, sửa đổi những vướng mắc, bất cập nảy sinh để triển khai thực hiện tốt hơn các mục tiêu, kế hoạch hoạch đề ra. Ngành cần chủ động thực hiện và tham mưu cho các bộ, ngành, địa phương, vận động các đoàn thể tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc tuyên truyền để mọi người dân thấy rõ lợi ích của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó, tăng số đối tượng tham gia, đảm bảo được nguồn thu và yêu cầu chi.
Phân tích cơ cấu đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cho rằng con số này tăng không bền vững, chưa nhắm đúng vào đối tượng tiềm năng. Số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quá ít, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện chủ yếu là đối tượng có bệnh mới mua bảo hiểm, chỉ mua trong thời gian cần điều trị bệnh, do đó, việc mất cân đối quỹ là nguy cơ nhãn tiền và việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân sẽ hết sức khó khăn.