Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự đoán đến cuối năm, chỉ số này sẽ là 4,1%, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Theo hãng tin Sputnik, một trong những động lực của sự tăng trưởng đáng ngưỡng mộ này là dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp không ngừng đổ vào. Trong 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam thu hút gần 20 tỷ USD, trong đó dòng vốn đăng ký cấp mới đã tăng 6,6% so với năm 2019.
Để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam tạo ra những điều kiện cần thiết như xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, viễn thông, đào tạo chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Theo những dữ liệu mới nhất, trong số các doanh nghiệp đang phấn đấu mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á, có tới 40% doanh nghiệp xem Việt Nam là địa bàn thích hợp để phát triển kinh doanh. Theo nhiều chuyên gia, ngoài lực lượng nhân công trẻ, tình hình chính trị ổn định, luật đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ, một lợi thế nổi bật của Việt Nam khi các doanh nghiệp “ngắm nghía” chọn địa điểm sản xuất là vị trí gần Trung Quốc, có khả năng sử dụng nguyên vật liệu Trung Quốc. Ngoài ra, sự chăm chỉ, tính kỷ luật và trình độ tay nghề khá của lao động Việt Nam, cho phép sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dự đoán rằng trong những năm tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt một số nền kinh tế mạnh ở Đông Nam Á.
Giáo sư Vladimir Mazyrin, thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov kiêm lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhất trí với dự báo lạc quan nói trên. Giáo sư Vladimir Mazyrin nhận định: “Hiện nay, trong bảng xếp hạng của Qũy Tiền tệ Quốc tế ( IMF) về GDP, Việt Nam đứng thứ 33 theo PPP (sức mua tương đương).
Indonesia ở vị trí thứ 7, Thái Lan - 20, Malaysia - 26, Philippines - 27. Nhờ nhịp độ tăng trưởng GDP hàng năm cao hơn, Việt Nam đang nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển hơn trong khu vực. Mức bứt phá về nhịp độ tăng trưởng sẽ còn lớn hơn sau đại địch, bởi nhờ chính sách và các biện pháp khéo léo của ban lãnh đạo đất nước, Việt Nam đối phó tốt hơn với diễn biến và hậu quả của dịch bệnh.