Nhiều phóng viên TTXVN có vinh dự được phục vụ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Với họ, đó là “Hạnh phúc lớn trong cuộc đời làm báo của mình, khi được sống, làm việc trong sự quan tâm, chăm sóc của những vị lãnh đạo xuất sắc và có uy tín của Đảng”. Hai mẩu chuyện nhỏ dưới đây của nhà báo Phạm Nhật Nam, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP Hồ Chí Minh càng giúp chúng ta hiểu rõ hơn niềm hạnh phúc đó.
Thưa bác, Cháu là phóng viên Thông Tấn xã Giải Phóng ạ!
Cuối năm 1974, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam tổ chức hội nghị tổng kết đợt một công tác phát động quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng trong vùng giải phóng; triển khai kế hoạch hoạt động mùa khô đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, góp phần đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng. Hội nghị được tổ chức tại một khu rừng rậm rạp, thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, ngay dưới chân núi Bà Đen.
Vào thời điểm đó, núi Bà Đen chưa được giải phóng hoàn toàn. Trên đỉnh núi là căn cứ rađa của địch. Ta chỉ kiểm soát từ lưng chừng núi trở xuống. Tuy nhiên, nơi bất ngờ nhất, lại là nơi an toàn nhất. Có điều, mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt, làm việc phải hết sức giữ bí mật, vì địch vẫn còn ưu thế về không quân và pháo binh. Chúng có thể trút bom, đổ quân hay dội pháo bất cứ lúc nào. Tôi được lãnh đạo Thông tấn xã Giải Phóng cử đi dự và đưa tin hội nghị này.
Ngày đầu tiên của hội nghị, trong giờ nghỉ giải lao, anh em chúng tôi từ nhiều cơ quan, nhiều địa bàn về đang tíu tít chuyện trò. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy một chiến sĩ bảo vệ chạy đến ghé tai đồng chí Hai Trinh và đồng chí Tám Đức là lãnh đạo Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam nói nhỏ gì đó. Cả hai đồng chí đang ngồi trên võng bật đứng dậy, chạy vội về phía con đường mòn dẫn vào hội trường. - Ai đến thế nhỉ? Chúng tôi hỏi nhau. - Chắc là đồng chí cán bộ cấp cao. Một người nào đó phỏng đoán.
Chúng tôi không phải chờ đợi lâu. Từ lối mòn vào hội trường ba chiếc xe gắn máy hiệu Honda 90 chạy tới. Chiếc đi đầu do một chiến sĩ an ninh trong bộ quân phục quân giải phóng màu đen, súng AK báng gấp đeo chéo trước ngực lái. Chiếc chạy giữa cũng do một chiến sĩ an ninh lái, ngồi sau là một người mặc áo bạt kín mít. Chiếc sau cùng chở theo một máy thông tin 15 oát.
Vào gần đến hội trường người mặc áo bạt xuống xe và cởi áo khoác. Có tiếng ai đó reo lên: Đồng chí Nguyễn Văn Linh. Anh em chúng tôi chạy lại xếp thành hàng dài để đón đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Tôi đứng ở cuối hàng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh bắt tay, thăm hỏi từng người một. Thời bấy giờ, ngay ở miền Bắc được gặp một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đã là rất khó. Tôi lại ở miền Nam, trong điều kiện chiến trường, mọi yêu cầu đảm bảo bí mật rất khắt khe, nên được gặp một đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, người đó lại là đồng chí Nguyễn Văn Linh, nổi tiếng về tài năng và đức độ, khiến tôi vô cùng xúc động cứ đứng ngây ra nhìn.
Khi bắt tay hết lượt anh em, đến tôi là người cuối cùng, có lẽ nhìn dáng vẻ thư sinh và bộ quân phục còn mới nguyên nếp của tôi (anh em Sư đoàn 5 mới cho khi tôi xuống công tác), đồng chí Nguyễn Văn Linh ân cần hỏi: - Cháu vào trong này năm nào? - Thưa bác, cháu vào đầu năm 1973. - Cháu định khi nào thì ra? - Thưa bác, cháu nghĩ là chỉ 5 năm cháu sẽ ra ạ! Nghe tôi trả lời như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Linh dừng lại nhìn tôi chăm chú, khiến tôi có chút bối rối, lo lắng. Không biết mình trả lời thế có gì sai không?
Lát sau, đồng chí hỏi lại: - Cháu có biết bác quê ở đâu không? - Thưa bác, cháu biết ạ. Bác quê ở tỉnh Hải Hưng (lúc đó hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên chưa tách) - Đúng rồi, thế cháu có biết bác vào Nam năm nào không? - Thưa bác, chính xác thì cháu không nhớ rõ, nhưng cháu biết bác vào Nam khoảng những năm 1939 - 1940. - Bác vào Nam năm 1937. Thế mà bây giờ bác chưa ra, tại sao cháu lại nói 5 năm nữa cháu sẽ ra? - Thưa bác, thời điểm bác vào Nam cách mạng nước ta đang trong thời kỳ đen tối, Đảng còn hoạt động bí mật, cách mạng chưa giành được chính quyền. Còn cháu vào Nam khi một nửa nước đã hoàn toàn giải phóng. Miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trên tiền tuyến lớn miền Nam thì thế và lực của cách mạng cũng đã thay đổi. Chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ cả hai cuộc chiến tranh đặc biệt và chiến tranh cục bộ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari và rút quân về nước. Ở chiến trường hiện nay, chúng ta cũng liên tiếp giành thắng lợi trên tất cả các địa bàn chiến lược, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng và được củng cố. Chúng ta còn được phe XHCN và loài người tiến bộ trên thế giới đồng tình, ủng hộ. cháu nghĩ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước không còn xa nữa, nên cháu cho rằng 5 năm nữa cháu sẽ ra Bắc.
Nghe tôi trả lời, đồng chí Nguyễn Văn Linh mỉm cười, tỏ thái độ hài lòng. Đồng chí kéo tôi lại gần và vỗ lên vai tôi, miệng nói: Giỏi, giỏi, tay này giỏi. Thế cháu công tác ở cơ quan nào? Thưa bác, cháu là phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng ạ.
Sau ngày giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đảm nhận nhiều trọng trách của Đảng: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Bí thư của Đảng; Cố vấn BCH TƯ Đảng, tôi lại có dịp đi làm tin phục vụ đồng chí. Khi tôi nhắc lại chuyện cũ, đồng chí rất vui. Những lần được đi theo đồng chí viết tin, đồng chí luôn dành cho tôi những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt như nhắc nhở các cơ quan, địa phương, các cán bộ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, tạo điều kiện để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi lần, trong những chuyến đi thăm và làm việc ở địa phương, đồng chí kéo tôi lại ngồi gần để nghe báo cáo cho rõ. Tôi luôn coi đó là một hạnh phúc lớn trong cuộc đời làm báo của mình, được sống, làm việc trong sự quan tâm, chăm sóc của những vị lãnh đạo xuất sắc và có uy tín của Đảng. Tôi tự hứa với mình sẽ không ngừng học hỏi và nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với những tình cảm và sự thương yêu đó.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh thăm Xí nghiệp Liên hợp máy công cụ (20/1/1984). |
Học đức tính cẩn thận của đồng chí Trường Chinh
Khi mới vào công tác ở Thông tấn xã, tôi đã được nghe các nhà báo đàn anh kể lại đức tính cũng như tác phong làm việc chặt chẽ, cẩn thận của đồng chí Trường Chinh. Lúc ấy, tôi nghĩ nghe để biết và ngưỡng mộ, chứ phóng viên bình thường như tôi, lại không phải phóng viên chuyên trách thì có nằm mơ cũng không dám, chứ nói gì đến mong muốn có một lần được đưa tin về hoạt động của đồng chí Trường Chinh. Ấy vậy mà trời lại đãi kẻ khù khờ, tôi không những có dịp viết tin về hoạt động của đồng chí Trường Chinh và một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, mà còn được nghe ý kiến chỉ dạy của đồng chí về cách đặt một tít tin thời sự chính trị quan trọng, về việc dùng từ ngữ sao cho chính xác.
Cơ hội may mắn đó đến với tôi vào dịp Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng và long trọng đón Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quí của Đảng và Nhà nước tặng thưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, xã hội lúc đó, ta chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước thật trọng thể, có bắn đại bác, bắn pháo hoa, có diễu binh, diễu hành quần chúng. Tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, Quốc hội, MTTQVN, các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương trong cả nước tới dự lễ.
Đặc biệt, lần đầu tiên thành phố mời nhiều đoàn khách quốc tế, đoàn ngoại giao và trên 150 nhà báo quốc tế đến dự ngày lễ trọng đại này. Về công tác thông tin của cơ quan ta, khỏi phải nói trong những ngày này, phóng viên tin, ảnh vô cùng bận rộn, tất bật, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm đảm bảo thông tin nhanh, đúng, không bỏ sót, lọt các sự kiện diễn ra.
Riêng buổi lễ chính tổ chức vào đúng ngày 30/4/1985, Tổng xã điện chỉ đạo viết một tin tường thuật, yêu cầu lời văn phải trang nghiêm, hùng hồn, nêu bật ý nghĩa trọng đại của chiến thắng lịch sử 30/4/1975; không khí tưng bừng, phấn khởi của toàn thành phố và mỗi người dân trong ngày vui đại thắng; qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân vươn lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lúc đó, tôi đang là quyền Trưởng Phân xã Thành phố Hồ Chí Minh, được giao viết tin tường thuật cho buổi lễ trọng đại này với yêu cầu cao như vậy, tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, do là người trong cuộc, được sống trong không khí của ngày hội lớn, sự giúp đỡ và phối hợp của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài cơ quan, đặc biệt là nhà báo kỳ cựu Lê Việt Thảo, một chuyên gia hàng đầu của TTXVN về mảng tin nội chính, tôi đã hoàn thành tốt bài tường thuật, được Tổng xã đánh giá là xuất sắc.
Buổi sáng 30/4, khoảng 8 giờ 30 phút, trong lúc nhân dân cả nước và hàng tỷ người trên thế giới đang chăm chú theo dõi những hình ảnh cuối cùng của buổi lễ qua tường thuật trực tiếp trên truyền hình, cũng là lúc tôi hoàn thành bài viết.
Khoảng nửa giờ sau đó, khi tôi đang ngồi theo dõi bộ phận kỹ thuật chuyển tin, bài ra Tổng xã, bỗng tiếng điện thoại reo vang. Tôi nghe tiếng ai đó nói trong điện thoại: - Tôi ở Văn phòng Chủ tịch Trường Chinh đây, cho tôi gặp người viết tin tường thuật buổi lễ kỷ niệm hôm nay. - Thưa đồng chí, tôi là Nhật Nam, là người viết tin tường thuật buổi lễ đây ạ. Tôi trả lời nhưng trong bụng có đôi chút hồi hộp, không biết có chuyện gì. - Trước khi truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Trường Chinh, yêu cầu đồng chí đọc cho tôi nghe tít tin đồng chí viết. - Tôi đọc: Tít lớn “Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm trọng thể 10 năm giải phóng Sài Gòn – giải phóng miền Nam“. Xuống dòng, tít phụ thứ nhất: Thành phố đón nhận phần thưởng cao quí: Huân chương Sao Vàng. Xuống dòng, tít phụ thứ hai: Các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta dự ngày hội lớn. Nghe tôi đọc xong, tiếng người ở đầu dây bên kia tỏ vẻ hài lòng: - Đúng rồi, Thông tấn xã đặt tít như vậy là đúng. Đồng chí Trường Chinh dặn đặt tít phải để tập thể lên trên, cá nhân xuống dưới. Đồng chí nhớ truyền đạt ý kiến của đồng chí Trường Chinh, nhắc các báo ngày mai đăng lại tin TTXVN phải giữ nguyên như vậy.
Khoảng chừng 20 phút sau đó, khi bài tường thuật chuyển gần xong về Tổng xã, điện thoại lại reo vang. Tôi cầm máy nghe, vẫn tiếng người gọi khi nãy xưng danh và nói: Yêu cầu đồng chí mở bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng ra, phần cuối bài, dòng thứ 6 từ dưới lên, trong câu“… toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn…”, đồng chí sửa chữ “xung“ thành chữ “chung“. Đúng là tác phong cẩn thận và chính xác đến từng từ. Trong trường hợp này, rõ ràng chỉ thay một từ, câu viết chỉnh hơn về ngữ nghĩa.
Từ những chỉ dạy rất cụ thể của đồng chí Trường Chinh thông qua việc đặt tít tin và cách dùng từ, đã trở thành một bài học lớn về nghiệp vụ đối với tôi. Suốt những năm tháng sau này, mỗi khi cầm bút tôi đều trăn trở, suy ngẫm từng câu, từng chữ để mỗi bản tin, bài viết của mình có thông tin đầy đủ, trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc và chính xác.
Nhật Nam