Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị, các địa phương căn cứ vào các văn bản của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19 hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, khi thẩm định, phê duyệt phương án phòng, chống dịch của doanh nghiệp theo thẩm quyền cần tránh tình trạng trả hồ sơ, yêu cầu bổ sung nhiều lần gây mất thời gian của doanh nghiệp. Cùng đó, tiếp tục thực hiện kế hoạch thi đua xây dựng, bảo vệ “vùng xanh” để duy trì sản xuất của doanh nghiệp.
Ngành y tế tham mưu, đề xuất, thẩm định các phương án phòng, chống dịch của doanh nghiệp đảm bảo kịp thời; không kéo dài thời gian nhưng phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch là trên hết. Ngành y tế nghiên cứu, cập nhật, bổ sung hướng dẫn mới của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp để triển khai kịp thời; đề xuất phương án tiêm vaccine cho doanh nghiệp, giúp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành kế hoạch phục hồi kinh tế sau khi tỉnh kiểm soát dịch. Các địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án phòng, chống dịch trong hoạt động của doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp tập trung. Cùng đó, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện đúng phương án đã được phê duyệt; không để doanh nghiệp tuyển lao động không có trong danh sách đã được phê duyệt.
Trên cơ sở kiểm tra, giám sát, các địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phương án.
Ông Đoàn Thanh Vũ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho hay, thời gian qua, công nhân tham gia “3 tại chỗ” được chủ doanh nghiệp quan tâm lo chỗ ăn ở và đảm bảo thu nhập nhưng tinh thần không thoải mái, không quen môi trường sống tập thể. Về phía doanh nghiệp, chi phí tăng cao, tác động đến giá thành sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn rất khó khăn, không bền vững.
Việc xây dựng phương án tiếp nhận lao động thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới đối với các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”. Việc tiếp nhận lao động lưu trú trong “vùng xanh” giữa các huyện chưa được liên thông nên doanh nghiệp chưa thể tiếp nhận lao động trong “vùng xanh” giữa các huyện.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại của doanh nghiệp, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, đảm bảo phòng, chống dịch chặt chẽ hơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đề xuất, cho phép doanh nghiệp thu nhận lao động lưu trú tại các địa phương được công nhận “vùng xanh” trong tỉnh, trước khi vào lại doanh nghiệp phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính không quá 72 giờ, được tự đi lại bằng phương tiện cá nhân từ nơi lưu trú đến công ty và ngược lại. Doanh nghiệp phải xét nghiệm hàng tuần cho 100% công nhân trong nhà máy và công ty cam kết chịu trách nhiệm nếu để công nhân lây lan dịch bệnh.
Ông Đoàn Thanh Vũ, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đề nghị doanh nghiệp lập thêm các Tổ y tế cộng đồng để tuần tra, giám sát quá trình di chuyển của công nhân; ưu tiên tiếp nhận số công nhân được tiêm 1 mũi vaccine hoặc đủ liều. Đồng thời, tuyên truyền, trang bị kiến thức cho nhân viên y tế, công nhân của doanh nghiệp tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên; mở rộng vùng xanh liên thông giữa các huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và tiếp nhận lao động lưu trú trong “vùng xanh” giữa các huyện thực hiện phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Trong các khu, cụm công nghiệp tập trung do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý có 49 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động; trong đó, có 37 doanh nghiệp đang duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số lao động được bố trí tại chỗ trên 7.400 người; 9 doanh nghiệp hiện tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Hiện có 42 doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại công ty, doanh nghiệp; trong đó, đơn vị đã được UBND cấp huyện phê duyệt, 4 đơn vị đã xây dựng phương án nhưng chưa được phê duyệt.
Bên cạnh đó, có 120 đơn vị gồm chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung cấp dịch vụ đã ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.