Mở đầu phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đặt các câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề trật tự đô thị, xây dựng sai phép, quản lý nhà chung cư… đối với lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Đại biểu Nguyễn Trọng Trí đặt câu hỏi: Tình hình xây dựng sai phép, không phép tại TP Hồ Chí Minh đang gia tăng là do công tác quản lý không nghiêm nên đã xảy ra tình trạng người dân tự ý phân lô bán nền; trong khi đó, công tác xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép còn nhiều khó khăn, vì vậy các cơ quan quản lý có những giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trọng Trí, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, cho biết vi phạm về trật tự xây dựng, xây dựng sai phép chủ yếu xảy ra ở các quận, huyện đang đô thị hóa. Nguyên nhân do công tác quy hoạch chưa phủ tới kịp các quận huyện, người dân cập nhật thông tin xây dựng chậm, lực lượng phối hợp kiểm tra, thanh tra chưa hiệu quả, quyết liệt...
"Sắp tới, Sở sẽ khắc phục, giải quyết vấn đề này. Cụ thể, Sở sẽ giao cho lực lượng Thanh tra xây dựng thuộc các quận, huyện quản lý xuyên suốt tại địa phương từ cấp phép đến quản lý xây dựng. Sở sẽ tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh về việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp để hạn chế các công trình trái phép", ông Lê Hòa Bình cho biết.
Ngoài bức xúc về vấn đề xây dựng sai phép, nhiều đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh còn bày tỏ ý kiến phản ánh của các cử tri về việc chậm cấp giấy chứng nhận nhà ở cho các chung cư, quỹ bảo trì 2%, chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở tại các chung cư...
Ông Lê Hòa Bình cũng nhìn nhận, hiện nay, thành phố vẫn còn nhiều chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng nên việc cấp giấy chứng nhận cho người dân còn chậm trễ, gây bức xúc cho người dân như thời gian qua.
"Để giải quyết tình trạng này, Sở Xây dựng cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan có nhiều biện pháp xử lý như: Hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp giấy, yêu cầu chủ đầu tư làm xong nghĩa vụ với ngân hàng để lấy giấy ra… nhưng chưa giải quyết hết được. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký nhà đất ở 24 quận huyện để thống kê đầy đủ, phân loại nguyên nhân chưa được cấp giấy chứng nhận và sẽ có giải pháp cụ thể đối với từng chung cư. Đối với việc giám sát quỹ bảo trì chung cư 2% đã có cơ chế phối hợp giữa ban quản trị chung cư, tổ dân phố, UBND phường… sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện để thông tin cụ thể đến người dân sớm nhất", ông Lê Hòa Bình cho biết.
Liên quan đến vấn đề trật tự xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết theo nguyên tắc người dân không thể tự xây dựng nhà ở được. Do đó, khi xét trách nhiệm, bên cạnh quy trách nhiệm chủ đầu tư (người dân) thì cũng cần quy trách nhiệm của đơn vị thi công là thầu xây dựng.
"Một công trình khi thi công trên địa bàn nào đó đều phải có giấy phép xây dựng. Các nhà quản lý căn cứ theo đó cũng biết công trình nào sai phép, trái phép để không tham gia thực hiện. Ngoài ra, để siết vấn đề xây dựng, cần có biện pháp xử lý, kiểm soát đối tượng lợi dụng cho tách thửa, thu mua thực hiện dự án không có hạ tầng về điện, nước, giao thông… rồi bán cho người có thu nhập thấp. Thành phố đã có chỉ đạo những nơi xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng sẽ tập trung chấn chỉnh trong thời gian tới. Sắp tới, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 23 của Thành ủy về quản lý trật tự xây dựng. Cụ thể tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng; cần phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu những hành vi vi phạm. Trước mắt, cần quy trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tình trạng vi phạm; đồng thời tổ chức cưỡng chế ngay những công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép”, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Tổng số công trình vi phạm trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 là 6.825 công trình. Trung bình số vụ vi phạm về trật tự xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày, năm 2018 là 6,6 vụ/ngày, năm 2017 là 7,5 vụ/ ngày… Trong đó, xây dựng không phép chiếm 51% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố. Theo đó, phần lớn công trình xây dựng không phép thuộc trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép như xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất không được phép xây dựng...