Việc triển khai hệ thống e-Cabinet góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ. Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong các hoạt động họp Chính phủ, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, là một trong những chìa khóa hướng đến xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
Để hệ thống e-Cabinet hoạt động hiệu quả ngoài việc xây dựng khung cơ sở pháp lý thì vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc và các hình thức phá hoại thông tin là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Đảm bảo bảo mật cấp độ quốc gia
Hệ thống e-Cabinet được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel và Ban Cơ yếu chính phủ triển khai thực hiện. Do đặc thù của hệ thống e-Cabinet là sử dụng cho các thành viên Chính phủ nên trong quá trình xây dựng hệ thống e-Cabinet, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng đặt ra yêu cầu rất cao về tính bảo mật và an toàn thông tin.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cung cấp trọn gói hệ thống hạ tầng phần cứng, các thiết bị đầu cuối, máy tính bảng Ipad, hệ thống phần mềm, dịch vụ bảo hành, bảo trì, đảm bảo an ninh an toàn thông tin...
Để đáp ứng yêu cầu về an toàn an ninh thông tin, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel chủ động xây dựng hệ thống bảo mật an ninh 3 lớp dựa trên các hệ thống mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Lớp đầu tiên có chức năng phát hiện mã độc, làm sạch virus trên hệ thống e-Cabinet. Lớp bảo mật thứ hai gồm các công cụ để xây dựng và cảnh báo hiện tượng tấn công hệ thống từ bên ngoài. Lớp thứ ba là các công cụ cho phép phát hiện các hành vi bất ngờ cũng như phát hiện mã độc đối với hệ thống.
Cùng với đó, Viettel xây dựng có hệ thống giám sát từ xa 24/24h để phát hiện các hành vi bất thường, hoạt động tấn công từ xa đến hệ thống. Khi phát hiện các hoạt động này, hệ thống giám sát sẽ cô lập các hành vi tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống để xử lý. Về hạ tầng viễn thông, hệ thống e-Cabinet được thiết kế tối ưu với băng thông 4G, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tốc độ… liên quan đến kết nối mạng, cũng như tiềm năng phát triển, nâng cấp của toàn hệ thống.
Các máy tính bảng Ipad sử dụng trong phiên họp Chính phủ đều đã được Ban Cơ yếu Chính phủ cài phần chương trình kiểm soát mã độc. Bộ Công an đã kiểm tra an ninh, an toàn của các thiết bị trước khi đưa vào sử dụng. Giao diện của hệ thống e-Cabinet được thiết kế đơn giản, dễ nhìn, dễ hiểu trên Ipad. Các thao tác trong hệ thống trực quan, dễ sử dụng, tránh nhầm lẫn.
Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel khẳng định: “Tất cả hệ thống được Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Viettel đang triển khai đáp ứng được yêu cầu về an toàn, bảo mật ở cấp độ quốc gia”.
Đồng hành xây dựng Chính phủ điện tử
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cho biết: Trong một thời gian ngắn, bằng tinh thần khẩn trương dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, Viettel đã nhanh chóng hoàn thiện hệ thống e-Cabinet, đưa vào sử dụng đúng tiến độ đề ra.
Toàn bộ hệ thống e-Cabinet được Viettel xây dựng đều được tích hợp giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật cao. Hệ thống này sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu. Các vấn đề về an toàn hạ tầng mạng, máy chủ, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên thiết bị di động đều được Vietel đảm bảo ở mức tối đa.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng khẳng định: Tất cả các thành phần của hệ thống đều do Viettel thiết kế và làm chủ. Doanh nghiệp cam kết đồng hành, phối hợp với Văn phòng chính phủ đảm bảo cho hệ thống vận hành nhanh, chính xác, an toàn và hiệu quả nhất.
Viettel cũng sẵn sàng xây dựng một hệ thống đảm bảo an toàn thông tin tuyệt đối. Với nguồn lực mạnh về công nghệ, về con người, Viettel cam kết cùng Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cũng chia sẻ: Trong thời gian tới, Viettel sẽ đưa nhiều công nghệ mới, công nghệ 4.0 để hiện đại hóa hệ thống e-Cabinet, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý văn bản.
Ngoài ra, đơn vị sẽ tích hợp các trục dữ liệu lớn vào hệ thống hiện tại mà Chính phủ đang sử dụng, ứng dụng thêm công nghệ khác để biến hệ thống e-Cabinet thành công cụ hữu dụng, giúp Chính phủ tự động hóa các hoạt động điều hành.
Đưa hệ thống e-Cabinet vào hoạt động họp Chính phủ là việc làm thể hiện quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Đây là bước đi quan trọng hướng tới Chính phủ không giấy tờ, để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Hơn thế nữa, việc ứng dụng thành công hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) là bước đi quan trọng Việt Nam khẳng định mình trong xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong ứng dụng công nghệ mới, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.