Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV... Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề.
Tập trung nâng cao năng suất lao động
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) đánh giá cao sự quyết liệt, phản ứng chính sách nhanh của Chính phủ trong điều hành kinh tế, thực hiện các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng suất lao động. Đây là vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu không tạo được năng suất lao động đột phá trong 3 - 5 năm tới, Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số bước vào giai đoạn già hóa khó thành hiện thực.
Tuy nhiên, năm nay là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu quan trọng này không đạt được mục tiêu đề ra của giai đoạn 2021 - 2025. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục lãnh đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật hướng dẫn thực thi pháp luật, nhất là trên lĩnh vực kinh tế để nhanh chóng khắc phục, chấn chỉnh những bất cập, chồng chéo làm gia tăng thời gian phát sinh thủ tục và chi phí không chính thức trên các lĩnh vực đầu tư tín dụng, đất đai, bất động sản, nhà ở xã hội cũng như xây dựng, quy hoạch để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề xuất cần tập trung lãnh đạo tháo gỡ những nút thắt, tạo việc làm, gỡ khó cho doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thực chất, ổn định lâu dài thông qua các giải pháp kích thích, tiêu thụ hàng hóa nội địa, các giải pháp về tài khóa như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT, hỗ trợ giảm thuế suất giảm thuế nhập khẩu, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; khuyến khích xem xét sửa đổi cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống cháy nổ phù hợp với bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo tính khả thi; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp truyền thông, giáo dục. nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn.
Nỗ lực lớn trong việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Cùng với đó, Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Liên quan đến kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập đã được nêu trong báo cáo, trong đó có mâu thuẫn chồng chéo ở tầm luật nhưng không nhiều, chủ yếu do một số cách hiểu chưa chính xác và những chồng chéo này sẽ được giải quyết ở các dự thảo luật sắp được Quốc hội thông qua.
Thay mặt Tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định trong giải thích pháp luật thuộc thẩm quyền. Đối với kiến nghị khác của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, tăng cường năng lực, Tổ công tác sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn.