Cụ thể, 18 quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; 8 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nhưng chưa được phê duyệt; 32 quy hoạch đã thẩm định xong và đang trong quá trình hoàn thiện; 16 quy hoạch đang được thẩm định; 29 quy hoạch đang trong quá trình xây dựng dự thảo và lấy ý kiến; 7 quy hoạch đang lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch và 1 quy hoạch chưa thực hiện do không đủ điều kiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, việc đổi mới tư duy, nhận thức quản lý nhà nước về quy hoạch, đặc biệt là việc tích hợp quy hoạch và giảm bớt số lượng quy hoạch đã tăng hiệu lực và tính thống nhất của quản lý nhà nước; tăng cường phân cấp; xóa bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết; tăng cường thu hút đầu tư và bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
"Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tiến độ quy hoạch đã được đẩy nhanh hơn, chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao hơn", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo.
Đặc biệt, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua có ý nghĩa quan trọng trọng việc định hình không gian phát triển dài hạn của đất nước; là cơ sở để các ngành, các vùng, các địa phương triển khai lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về công tác quy hoạch để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Theo đó, có 4 vướng mắc trong thẩm định, lập quy hoạch; đó là quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Tiếp đến là, thời gian các bộ tham gia ý kiến và thời gian cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch còn chậm. Ngoài ra, do tính chất tính hợp, toàn diện của các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch tỉnh, nên việc phối hợp, tham gia ý kiến trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh là rất khó khăn, thời gian cho ý kiến thẩm định và phê duyệt quy hoạch thường kéo dài, đặc biệt là các bộ có phạm vi quản lý liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ. Trong khi đó, một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với thực tế của địa phương, chưa tạo được sự chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội và có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đề ra trong quy hoạch.
Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để cơ bản hoàn thành trong năm 2023 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch.
Đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, thì khẩn trương tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định; xây dựng, trình ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định; rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định được phê duyệt để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
"Đối với các quy hoạch đã thẩm định xong, đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Đối với các quy hoạch đã trình thẩm định, thì khẩn trương tổ chức thẩm định theo quy định. Đối với các quy hoạch đang xây dựng hoặc đang lấy ý kiến, thì khẩn trương tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.
Bên cạnh đó, các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Cùng với đó, tập trung bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.
Các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
"Để chỉ đạo triển khai hiệu quả quy hoạch trong giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.