Thông tin về tình hình chung của Thủ đô, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong 17 thủ đô rộng nhất thế giới với khoảng 10 triệu người đang sinh sống và học tập.
Năm 2018, Hà Nội kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính. Qua 10 năm, kinh tế của Thủ đô tăng trưởng 7,41% mỗi năm, đời sống nhân dân được cải thiện. Thành phố đang tập trung xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh. Hà Nội đã triển khai được hệ thống mạng WAN dùng chung tới toàn bộ 584 xã, phường, thị trấn, 30 quận, huyện; các sở, ngành, đã triển khai được 24% dịch vụ công ở mức độ 3 và 12% dịch vụ công ở mức độ 4.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hà Nội đang gặp phải những thách thức lớn về đô thị: Sự gia tăng dân số lớn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khi tỷ lệ xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp vẫn ở mức 97%. Đặc biệt, Hà Nội tuy có số lượng lao động trẻ đông nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, công nghệ thông tin. Chế độ, chính sách cho lao động chất lượng cao chưa phù hợp; dịch vụ cung ứng cho người dân chưa tốt.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ giúp kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước để tìm phương án giải quyết những thách thức này, đóng góp cho công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đã chia sẻ những vấn đề cốt lõi, nền tảng để xây dựng thành phố thông minh cũng như các công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, môi trường...
Y tế là lĩnh vực mà các thành viên của Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam đặc biệt quan tâm. Các chuyên gia nhận định, vấn đề quá tải bệnh viện là một thách thức lớn cần được giải quyết kịp thời ở Hà Nội. Sự quá tải tại các bệnh viện xảy ra một phần do tâm lý người dân thường để đến khi bệnh nặng mới chạy chữa, dẫn đến việc điều trị kéo dài. Trong khi đó, các phần mềm chăm sóc sức khỏe chưa phát huy hết hiệu quả. Thành phố cần dựa vào tình hình thực tế để chuẩn hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, tiếp đó mới tiến tới xây dựng phần mềm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân của Trường Đại học Hiroshima, Nhật Bản, chuyên gia nghiên cứu công nghệ sinh học nhận định: Ô nhiễm môi trường tại Hà Nội đang diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe sức khỏe người dân. Hiện, tỷ lệ người bị nhiễm ung thư tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang ở mức đáng báo động.
Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân đã nghiên cứu thành công phương pháp sử dụng protocol phát hiện sớm 8 loại ung thư thường gặp và đang triển khai tại Hà Nội. Tuy nhiên, giá thành của dịch vụ hiện rất cao (5.000 USD cho một lần kiểm tra), chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Xuân chia sẻ mong muốn thành phố quan tâm hỗ trợ để phương pháp này được phổ biến rộng hơn đến những đối tượng có nhu cầu.
Ông Cao Anh Tuấn, nghiên cứu sinh tại San Francisco, Hoa Kỳ khẳng định, việc Hà Nội tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới từ nước ngoài là tốt. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công nghệ nước ngoài chủ yếu phục vụ chủng tộc của họ, trong khi đó, một số bệnh chỉ có trong gen của người Việt. Bởi vậy, cần liên kết giữa người Việt và người nước ngoài để tập trung nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm phục vụ riêng cho người Việt Nam.
Đóng góp ý kiến về phát triển giao thông ở Thủ đô, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Lê Hải, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thông minh tại Australia nhận định, Hà Nội cần tập trung tìm ra nguyên nhân để giải quyết tận gốc vấn đề tắc nghẽn giao thông. Hiện nay, thành phố mới chỉ tập trung vào các biện pháp mà chưa chú trọng nguyên nhân. Muốn giải quyết triệt để, cần xem xét quy hoạch thành phố cho hợp lý, chỉ ra đúng nguyên nhân gây tắc nghẽn, người dân muốn đi đâu, khi nào.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã bày tỏ việc sẵn sàng hợp tác, giúp thành phố thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình đổi mới, phát triển của Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các đại biểu kết nối với thành phố qua cổng thông tin khởi nghiệp startupcity.vn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ có môi trường thuận lợi để phát huy sở trường, tạo ra những sản phẩm hữu ích đóng góp cho Thủ đô và đất nước.