Bao giờ hết ngập?
Những ngày qua, Hà Nội liên tục có mưa to, gây ngập úng nhiều điểm. Đó cũng là lúc hệ thống thoát nước bộc lộ hết điểm mạnh, điểm yếu, cho dù công tác tiêu thoát nước, giải quyết úng ngập đã được cải thiện hơn những năm trước.
Đặc biệt, năm nay, do phát huy hiệu quả của dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2 bằng vốn vay của Nhật Bản nên khu nội đô nước đã rút nhanh hơn sau mỗi trận mưa lớn. Tuy vậy, 2 dự án trên lại không bao gồm thoát nước cho các quận mới như: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Vì thế, một số khu vực của các quận này vẫn là "danh sách" đen trong "bản đồ ngập" của thành phố.
Trước vấn đề cứ mưa là ngập, cơ quan chức năng vẫn đưa ra lý do quen thuộc là lượng mưa quá lớn, vượt quá năng lực thiết kế của hệ thống thoát nước. Như vậy, việc dự báo hậu quả của thời tiết là không thể lường hết và hơn cả là sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch thoát nước dài hạn để đầu tư chống ngập có thể đi trước một bước.
Rất nhiều nguyên nhân gây ngập úng ở Hà Nội, song dễ nhận thấy nhất là tốc độ đô thị hóa quá nhanh đã khiến lượng ao hồ cả nội thành và ngoại thành đang bị lấp đi đáng kể. Việc tiêu thoát nước tự nhiên đạt hiệu quả thấp mỗi khi mưa lớn trên 50mm trong 2 giờ liên tục.
Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100 ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước hồ chỉ còn 1.165 ha. Thay vào số ao, hồ bị lấp là hàng loạt chung cư cao tầng với hàng nghìn căn hộ được xây dựng.
Mặt khác, đặc thù ở những khu vực mới phát triển như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông lại xây dựng các khu đô thị mới ngay bên cạnh các làng xóm, khu dân cư cũ. Nhưng khi thực hiện dự án, các chủ đầu tư thường không quan tâm đến cốt nền quy hoạch. Dù các tòa nhà chung cư được xây lên song hạ tầng thoát nước lại không được đầu tư bài bản, thiếu hệ thống thoát nước nội khu nên chủ yếu dựa vào những kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp để thoát nước.
Trong khi đó, những kênh mương này do lâu ngày không được nạo vét, bồi lắng, cỏ mọc, rác thải làm ảnh hưởng đến dòng chảy. Mỗi khi có nước lớn đổ về, các kênh, mương đều quá tải, tiêu thoát nước chậm, dẫn tới ùn ứ, ngập tại một số khu đô thị.
Hiện Hà Nội vẫn còn 15 điểm úng ngập như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, phố Cao Bá Quát, Đội Cấn, Minh Khai, đường Giải Phóng (đoạn trước cửa Bến xe phía Nam), phố Nguyễn Chính, phố Thanh Đàm (quận Hoàng Mai), phố Nguyễn Khuyến, phố Hoa Bằng…Đây là các điểm úng ngập “cố hữu” mà nhiều năm qua Hà Nội vẫn chưa có cách nào để xử lý.
Còn ở ngoại thành, nhiều khu vực với những biệt thự triệu đô hay các khu chung cư tại các địa bàn Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức cũng trong tình trạng lội nước bì bõm sau mỗi trận mưa. Thậm chí, có thời điểm người dân phải dùng thuyền để đi về nhà hoặc thuê phương tiện chuyên chở ra khỏi khu vực ngập, sau đó mới có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển. Cách khác, để đối phó với ngập một số người ở chung cư kể trên còn mua máy bơm để hút nước ra khỏi tầng hầm, dùng bao tải cát để tránh nước tràn vào nhà…
Sớm đạt chuẩn về hạ tầng thoát nước
Từ ngày 1/1/2017 thực hiện theo Quyết định số 41/2016 của UBND thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý thì Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm duy trì, quản lý hệ thống thoát nước tại 12 quận và thị trấn, thuộc huyện; các phường của thị xã Sơn Tây.
Do vậy, để đối phó với mùa mưa năm 2018, Công ty này đã đề ra "kịch bản" cụ thể với lượng mưa từ 50mm đến lượng mưa 100 mm trong hai giờ liên tục. Đặc biệt, với tình huống có mưa rất to hơn 100 mm trong hai giờ, công ty sẽ huy động 100% cán bộ, công nhân viên ứng trực, thực hiện vệ sinh, thu dọn tấm chắn, vật cản trên miệng ghi thu, hàm ếch; vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đông Mỹ, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Linh Đàm và các trạm bơm cục bộ khác để tiêu nước từ nội thành ra sông Hồng và sông Nhuệ.
Ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong trường hợp mực nước sông Nhuệ tại Thanh Liệt lên cao hơn 4,5m thì sẽ mở đập Thanh Liệt để đưa nước sông Nhuệ về trạm bơm Yên Sở bơm ra sông Hồng…
Cùng với đó, công ty này đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong công tác cảnh báo úng ngập, khu vực mưa để người dân chủ động di chuyển khi mưa. Công tác duy trì, thu dọn rác, nạo vét khơi thông dòng chảy cũng được thực hiện bài bản với nỗ lực cao nhất để hạn chế mưa ngập.
Dưới góc độ nhà nghề, Kiến trúc sư Nguyễn Huy Ánh - Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội phân tích, những giải pháp trên chỉ là tạm thời, còn về lâu dài, Hà Nội vẫn cần có một bài toán tổng thể, căn cơ hơn trong thoát nước; đặc biệt, cần có phương án chủ động hơn để đối mặt với tình trạng ngập lụt có thể nặng nề hơn, tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới đây.
Mặt khác, để giải cứu đường phố Hà Nội khỏi bị ngập trong mưa lớn thì hệ thống thoát nước phải làm tốt hơn, tức là các đường cống phải tính được đủ lưu lượng chứa thay cho các hồ điều hòa đã mất, tránh tình trạng quá tải cho hệ thống thoát nước. Đối với các trạm bơm cũng phải được thiết lập để giải quyết tình trạng ngập cục bộ.
Ông Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, hiện tình trạng loạn chuẩn cốt nền xây dựng công trình vẫn đang diễn ra khá phổ biến và không bị kiểm soát. Bởi vậy, cần có quy hoạch, quy định cũng như sự giám sát thực hiện nghiêm ngặt về cao độ nền khống chế của thành phố Hà Nội đối với các tòa nhà, khu phố để đảm bảo hài hòa không gian kiến trúc và góp phần giải quyết ngập úng trên địa bàn.