Đặc biệt tại các xã vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Công an chính quy về xã là "một luồng gió mới" trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết công việc ngay từ cơ sở; lắng nghe những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Nhiều cải cách hành chính
Tiếp nhận, xử lý giấy tờ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân chiếm phần lớn thời gian trong một ngày làm việc của Công an xã Ea Lê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk.
Trong căn nhà cấp 4 trước kia thuộc Hội Người cao tuổi, nay được xã bố trí làm trụ sở Công an xã, những cán bộ Công an chính quy hàng ngày trung bình giải quyết mấy chục lượt người dân đến làm thủ tục hành chính, giấy tờ. Đang đợt rà soát phiếu thu thập thông tin dân cư để phục vụ xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia, nên công việc hàng ngày của các cán bộ, chiến sỹ ở đây còn vất vả hơn nhiều lần. Nhiều ngày, ngoài tiếp người dân trong giờ hành chính, buổi tối các anh cũng phải tận dụng thời gian để kiểm tra, rà soát hồ sơ. Đó là còn chưa kể đến những buổi phải xuống trực tiếp nhà dân, thôn, xóm để xác minh lại thông tin. Địa bàn nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều người dân không biết chữ, không biết tiếng phổ thông, có nhiều trường hợp còn không biết cả ngày tháng năm sinh... nên công tác này rất vất vả.
Trung úy Trần Ngọc Vinh mới ra trường năm 2019 đã tình nguyện về công tác tại Công an xã Ea Lê. Anh chiến sỹ trẻ quê ở Quảng Bình dù mới gần 1 năm công tác ở xã miền núi này nhưng nước da đã chuyển nâu đỏ vì nắng gió Tây Nguyên như một người dân bản địa.
Dù được đào tạo chuyên ngành hình sự, nhưng đã về xã công tác, thì các mảng công tác Công an đều tiếp xúc và giải quyết thường xuyên. Được giao nhiệm vụ chính là làm công tác tiếp dân, hàng ngày dù mùa nắng hay mùa mưa, trong gian phòng cấp 4 chỉ khoảng 30m2, không điều hòa, máy lạnh, mỗi ngày anh cùng cán bộ chỉ huy Công an xã hướng dẫn kỹ lưỡng, kê khai giúp, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
"Nhưng khó khăn nhất là nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ chưa cao, chưa rành tiếng phổ thông nên nhiều trường hợp rất khó hướng dẫn, nhiều người còn không viết chữ nên cán bộ, chiến sỹ phải trực tiếp hỏi và viết thông tin cho người dân", Trung úy Vinh chia sẻ.
Sau 1 năm, các cán bộ, chiến sỹ Công an xã tích cực tiếp xúc, tìm hiểu về những phong tục tập quán, học tiếng nói của bà con để nhanh chóng bắt tay vào công việc… Hiện Trung đã tự học và nghe hiểu được cơ bản tiếng của đồng bào. Do đó, việc tiếp dân, giải quyết giấy tờ đã thuận lợi hơn nhiều. Những người dân không rành thủ tục được cán bộ Công an hướng dẫn kỹ lưỡng, kê khai giúp, thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn.
"So với lực lượng Công an xã bán chuyên trước đây, anh em chính quy vất vả hơn nhiều, đủ mọi mặt công tác từ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục giấy tờ, đến nắm tình hình địa bàn, điều tra cơ bản, xử lý các vụ việc phát sinh trên địa bàn, đến đi tuần đêm... Nhưng chuyển biến lớn nhất trong thời gian qua mà chính quyền và nhân dân ở đây cảm nhận được là thủ tục hành chính thuận lợi, người dân rất phấn khởi, bên cạnh đó an ninh trật tự có rất nhiều chuyển biến", Nguyễn Văn Hoa, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết.
Nếu như trước kia một công an huyện phụ trách mấy xã, Công an xã thường là người địa phương, chưa được đào tạo chính quy, bài bản,... nên công tác còn nhiều hạn chế. Có vụ việc xảy ra vài ngày, có hồ sơ cả tuần sau làm xong mới báo cáo lên Công an huyện thì nay, Công an xã chính quy có mặt ngay, giải quyết rốt ráo, thuần thục theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Hơn một năm phụ trách địa bàn xã, Thiếu tá Đoàn Bá Thanh, Trưởng Công an xã Ea Lê chia sẻ, công việc mới, nhiều, bao quát toàn diện hơn nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Do đó, cán bộ Công an chính quy về xã phải tự điều chỉnh phương pháp, cách làm cho phù hợp, nhanh chóng làm quen với cấp ủy chính quyền địa phương, bà con sở tại, vừa chứng tỏ sự chuyên nghiệp, bài bản của lực lượng Công an chính quy nhưng cũng linh hoạt, mềm dẻo trong xử lý công việc mà vẫn bảo đảm các yêu cầu pháp luật. Tư thế, tác phong chuẩn mực, những việc làm tốt vì dân cũng gây nhiều thiện cảm, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an.
Được đào tạo, sắp xếp bài bản để phục vụ nhân dân
Thực tế cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng rất cần thiết vì khi xuống cơ sở, cán bộ, chiến sỹ phải đáp ứng toàn diện các mặt công tác, chứ không chỉ đảm trách chuyên sâu một lĩnh vực, mảng công việc. Từ hình sự, hành chính, kinh tế, môi trường, tin báo tố giác tội phạm... hay cả đến những xích mích thường ngày trong nhân dân cũng đến tay Công an chính quy.
Số điện thoại thường trực của Công an xã được công khai đến người dân và thường xuyên nhận được tin báo. Bởi người dân tin tưởng, nên nhiều khi những chuyện lặt vặt như thanh niên va chạm, xô xát nhẹ... cũng nhờ cậy Công an chính quy.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, chủ trương đưa lực lượng Công an chính quy xuống xã được xác định là cấp Công an rất quan trọng. "Đây là cấp Công an trực tiếp quan hệ, tiếp xúc với người dân, với cấp ủy, chính quyền. Chính vì vậy lực lượng này được lựa chọn, bố trí phù hợp, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả công tác. Mỗi một xã thì đều có cơ cấu như: có đồng chí đã từng qua công tác điều tra, có đồng chí đã từng tham gia vào quản lý hành chính, có đồng chí đã từng là lực lượng an ninh. Tuỳ thực tế bố trí cơ cấu phù hợp, hài hòa, đáp ứng tổng thể với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an xã".
Đồng thời, để tạo thuận lợi cho lực lượng Công an chính quy xuống xã nắm các mặt công tác toàn diện, đa dạng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã biên tập, xây dựng cuốn “Sổ tay công tác của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn”.
Đây là cuốn cẩm nang để Công an xã chính quy về cơ sở nắm được đầy đủ nghiệp vụ, trình tự, thủ tục mọi mặt công tác, các kỹ năng xử lý tình huống, vụ việc cụ thể như cách xử lý vụ đánh nhau gây thương tích, bắt vụ bạc, khi xảy ra án mạng, tai nạn giao thông, gây rối kéo đến trụ sở chính quyền; tập huấn phương pháp ứng xử, lễ tiết, tác phong, giao tiếp với nhân dân; công tác dân vận...
Qua xem xét việc biên soạn, cấp phát “Sổ tay công tác của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn” của Công an tỉnh Đắk Lắk, ngày 19/5/2020, Bộ Công an đánh giá: “Cuốn sách rất hữu ích cho lực lượng Công an cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện các mặt công tác Công an tại cơ sở đảm bảo đúng quy định, hiệu quả”. Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công an xem xét về việc nhân rộng, biên soạn, cấp phát Sổ tay cho Công an cấp xã trên phạm vi cả nước.
Từ sự chuyên nghiệp, bài bản của lực lượng Công an chính quy, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, người dân cũng phấn khởi, vui vẻ hơn khi các thủ tục hành chính được giải quyết một cách nhanh chóng, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Mối quan hệ giữa lực lượng Công an và nhân dân sở tại ngày càng được gắn bó, thắt chặt hơn.