Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên đã hoàn thành hỗ trợ (bao gồm lương thực, y tế, giáo dục, tiền sử dụng điện thắp sáng, chất đốt…) cho 20.340 hộ tái định cư trên địa bàn. Riêng việc hỗ trợ thêm 1 năm lương thực cho các hộ tái định cư dự án thủy điện Sơn La theo quy định tại Quyết định số 43/2011/QĐ-TTg ngày 10/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đang được các tỉnh tập trung thực hiện.
Trước mắt, các hộ tái định cư chủ yếu triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống như các hộ dân sở tại. Ngoài ra, một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa như trồng rau an toàn, chè, cao su, cây ăn quả; chăn nuôi… đang được tổng kết rút kinh nghiệm trước khi phổ biến rộng rãi đến các khu, điểm tái định cư.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ đẩy nhanh được tiến độ hỗ trợ đời sống và sản xuất nên người dân tại các khu, điểm tái định cư đã từng bước ổn định được sinh hoạt và sản xuất, 100% số hộ dân tái định cư chuyển đến nơi ở mới có nhà ở tốt hơn nơi ở cũ, môi trường được cải thiện, hoạt động sản xuất và đời sống vật chất, văn hóa tinh thần ngày càng được cải thiện. Mặc dù vậy, việc các tỉnh còn chậm triển khai phương án sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp đến các hộ dân đã khiến cho việc phát triển sản xuất còn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là các hộ tại các khu, điểm tái định cư đô thị và vùng ven hồ.
Thời gian tới, các tỉnh có các hộ tái định cư (Sơn La, Lai Châu, Điện Biên) sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân kinh phí hỗ trợ sản xuất còn lại cho các hộ tái định cư theo quy hoạch chi tiết được duyệt, trong đó chú trọng các biện pháp lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất làm tăng thu nhập trên diện tích đất được giao. Các tỉnh bố trí cán bộ khuyến nông, khuyến lâm đến từng điểm tái định cư hướng dẫn người dân xây dựng phương án sản xuất cụ thể, xây dựng mô hình sản xuất để rút kinh nghiệm và nhân diện rộng…
Hoàng Tùng