Tại buổi làm việc, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế quyết định thành lập thêm hai tổ công tác hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại tỉnh Bạc Liêu và thành phố Cần Thơ. Tổ đặt tại thành phố Cần Thơ sẽ triển khai hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch tại thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề xuất một số nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa Tổ công tác và tỉnh Hậu Giang. Trong đó, Tổ công tác sẽ có nhóm truy vết cộng đồng, nhóm điều trị, xét nghiệm và nhóm ứng dụng công nghệ thông tin và tỉnh cũng cần thành lập các nhóm tương ứng để phối hợp thực hiện công tác. Khi Tổ công tác làm việc tại các địa phương, cần có sự tham gia của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách địa phương. Sau 2 ngày hoặc cuối ngày, Tổ công tác sẽ báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ cho Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, tỉnh có văn bản thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về hoạt động của Tổ công tác Bộ Y tế trên địa bàn tỉnh, để có sự thống nhất trong hoạt động. Chủ động làm báo cáo về tiến độ tiêm vaccine, nêu cụ thể thời gian từng khâu từ lúc có quyết định phân bổ đến khi triển khai tiêm, xác định khâu nào chậm để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Ngoài ra, tỉnh cần có báo cáo sơ kết, đánh giá lại những mặt làm được, hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan, bài học kinh nghiệm sau 14 ngày giãn cách xã hội và dự báo tình hình thời gian tới, qua đó thực hiện tốt những ngày giãn cách xã hội tiếp theo. Rà soát lại trang thiết bị, nhân lực y tế cần hỗ trợ gửi Bộ Y tế tổng hợp.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng thành lập các nhóm tương tự Tổ công tác để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Sở Y tế phối hợp với Tổ trưởng Tổ công tác xây dựng lịch công tác tuần; các nội dung đã thống nhất trong kế hoạch làm việc phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất, khi tổ công tác xuống làm việc với các địa phương, doanh nghiệp phải có Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, làm việc ở các huyện, thị xã, thành phố phải có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo địa phương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương tham dự. Một hoặc hai ngày Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ nghe thành viên Tổ thông tin về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ và đề xuất để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, trong các cuộc họp Ban Thường vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan công tác phòng, chống dịch sẽ mời thành viên Tổ công tác tham gia có ý kiến tư vấn cho tỉnh.
Tính đến 31/7, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Y tế đã công bố 201 ca mắc COVID-19. Hiện đã điều trị khỏi cho 53 ca. Số người được tiêm vaccine là trên 23.180 người, đạt 3,16% dân số.
Tỉnh đã và đang triển khai 78 cơ sở cách ly tập trung với khả năng tiếp nhận trên 10.100 người. Năng lực xét nghiệm của tỉnh đạt khoảng 3.000 mẫu đơn/ngày; 30.000 mẫu gộp/ngày. Về năng lực điều trị, tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi công năng một số Trung tâm Y tế tuyến huyện thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 và trưng dụng các bệnh viện tư nhân với tổng số giường điều trị COVID-19 là 2.350 giường.