Bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100 km, tiếp giáp với hai tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). Tịnh Biên là một trong bốn huyện, thị xã, thành phố biên giới, miền núi, dân tộc, nằm phía Tây Nam của tỉnh. Năm học 2022 - 2023, thị xã Tịnh Biên có 7.845 học sinh người dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường ra lớp trên tổng số 23.518 học sinh người dân tộc Khmer toàn huyện (chiếm 33,4%). Với chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc”, hàng năm, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp. Nhờ đó, tỷ lệ huy động học sinh Khmer ra lớp đạt khá cao.
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên Phan Văn Cường cho biết, chất lượng cuộc sống của người địa phương từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao. Đến cuối năm 2022, toàn huyện còn 1.095 hộ nghèo, chiếm 3,58% dân số (trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 716 hộ, chiếm 9,15% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn huyện).
Bí thư Thị ủy Tịnh Biên cảm ơn sự hỗ trợ, tình cảm của Phó Chủ tịch nước và lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Ngoại thương Việt Nam đã dành cho quê hương Tịnh Biên; đồng thời khẳng định, đây sẽ là nguồn cổ vũ, động viên, tạo động lực mạnh mẽ đối với Đảng bộ và nhân dân địa phương, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới. Đặc biệt, ngành Giáo dục huyện có thêm ngôi trường mới khang trang để dạy học cho các em vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Đảng bộ và nhân dân thị xã Tịnh Biên mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Phó Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh, các nhà tài trợ để thị xã vượt qua được khó khăn, phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tặng 25 suất học bổng (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng) cho các học sinh người dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn, học tốt trên địa bàn thị xã biên Tịnh Biên.