Theo đó, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm tài trợ hơn 2.100 tấn xi măng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thi công hơn 13,5km đường giao thông nông thôn tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm hỗ trợ cho chương trình này. Năm 2017, Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm đã hỗ trợ 1.400 tấn xi măng xây dựng 12km đường giao thông các huyện, thị xã. Đồng thời, hỗ trợ 210 triệu đồng xây dựng nhà tình thương cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn huyện Phong Điền.
Ông Phan Lê Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm cho biết, theo đuổi giá trị cốt lõi "nhân văn, chuyên nghiệp và phát triển bền vững", Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới như một sự tri ân đối với người dân địa phương đã hỗ trợ công ty đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong suốt thời gian qua. Công ty cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong những năm tiếp theo nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã ghi nhận những đóng góp của Công ty cổ phần Xi măng Đồng Lâm trong hoạt động xã hội, hướng đến cộng đồng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn. Ngoài việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách còn có sự kết hợp lồng ghép các nguồn vốn của các ngành, tổ chức, doanh nghiệp và sự đồng hành của người dân. Với cơ chế hỗ trợ đặc thù, việc hỗ trợ xi măng của công ty không chỉ góp phần thực hiện tốt tiêu chí giao thông mà còn góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Phát huy hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động gần 1.779 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đặt mục tiêu tăng thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 41 xã (tương đương 39,42% số xã trong chương trình).
Tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới; theo dõi, đánh giá việc triển khai các chính sách để điều chỉnh bổ sung, bảo đảm cho chính sách phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống, có hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo, phát triển hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Việc huy động người dân tham gia đóng góp chương trình xây dựng nông thôn mới phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với khả năng của người dân.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ năm 2011 - 2017, tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động các nguồn vốn đầu tư cho chương trình 5.119 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách 977,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 922 tỷ đồng, vốn tín dụng 2.174 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp 296 tỷ đồng; vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư và huy động khác 750 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 104 xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ 2018 - 2020, tỉnh dự kiến huy động 7.220 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu có 61 trong số 104 xã đạt chuẩn nông thôn mới.