Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Dũng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 76/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành các quyết định, chỉ thị chỉ đạo thực hiện đến toàn bộ UBND các huyện, thành phố, sở, ngành có liên quan để triển khai tuyên truyền rộng rãi đến các cấp chính quyền và người dân về cách nhận biết nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; cảnh báo những thiệt hại nặng nề khi xảy ra thiên tai, xây dựng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; ban hành các quyết định phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai; lên phương án huy động lực lượng, vật tư, phương tiện; tổ chức sơ tán dân, đảm bảo an toàn dân cư khi thiên tai xảy ra. Công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất... nhất là các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại; công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã cho phép cấp vật tư phòng, chống thiên tai cho các cơ quan, đơn vị để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các công trình công cộng được hỗ trợ kinh phí từ Trung ương năm 2019 đã tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt và triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Trong đó, một số dự án đang tích cực được triển khai như: Dự án khẩn cấp xử lý khối sạt trượt các khu vực phía Đông đồi Ông Tượng, tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát, tổ 4 phường Thái Bình; Dự án xử lý khắc phục cấp bách sạt lở tại khu vực phường Đồng Tiến và đoạn cầu Hòa Bình 3, thành phố Hòa Bình. Ngoài ra, Hòa Bình đã thực hiện và ứng ngân sách tỉnh để triển khai đầu tư xây dựng 16 khu tái định cư khẩn cấp để ổn định đời sống cho 460 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
Tại buổi làm việc, các đại biểu tỉnh Hòa Bình đề xuất với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương các nội dung như: Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để khắc phục, phục hồi các công trình đã bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn; xem xét, cấp tiếp vật tư dự trữ phù hợp phục vụ phòng, chống thiên tai; hỗ trợ tỉnh trong công tác nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác đánh giá về chỗ ở an toàn cho người dân khu vực nguy cơ cao xảy ra thiên tai; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai, xây dựng phương án ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai có thể xảy ra; xây dựng củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở; làm tốt công tác cảnh báo thiên tai và bố trí nguồn kinh phí hợp lý dành cho công tác phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thời gian tới tỉnh Hòa Bình cần tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động sơ tán khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai để tránh những thiệt hại về người và tài sản; chủ động thực hiện các quy trình vận hành hồ chứa, thường xuyên kiểm tra các công trình, địa điểm dễ xảy ra sạt lở, có cảnh báo kịp thời cho người dân; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án kè chống sạt lở, xây dựng các khu tái định cư nhằm sớm ổn định đời sống cho người dân.