Tại buổi họp báo, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn thông tin về vụ việc như sau: Sáng 9/10/2019, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà thấy có váng dầu tại suối Bằng, sau đó đã tiến hành kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh có đổ thải dầu; dầu chảy tràn xuống suối Trầm.
Công ty đã báo cáo các cơ quan chức năng và xử lý sợ bộ. Từ đỉnh dốc (điểm có dầu) đến điểm chảy xuống suối khoảng 150 m, do trời mưa nên có hiện tượng dầu chảy lan xuống suối Trầm và khu vực xung quanh; Công ty đã thông báo tới các lực lượng chức năng xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn và tỉnh Hòa Bình.
Công ty đã tiến hành rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu; khoanh vùng dầu chảy tràn trên mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ có dính dầu (khoảng 60 kg) được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại tại Nhà máy nước Sông Đà; khoảng 3-4 m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên Nhà máy, thành và đáy hố lót bạt nhựa trên mặt đất.
Trả lời các cơ quan báo chí về việc truy tìm đối tượng đổ thải tại suối Bằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức cho biết, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo công an huyện Kỳ Sơn khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, truy tìm phương tiện xả thải; đồng thời huy động lực lượng khắc phục hậu quả chất thải, tuy nhiên hiện vẫn chưa tìm ra đối tượng đổ thải.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ luật Hình sự 2015. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, ông Nguyễn Khắc Long cho biết ngay sau khi nắm được vụ việc, Sở đã báo cáo Tổng cục môi trường, đồng thời cử lực lượng chức năng đến hiện trường kiểm tra. Về việc xử lý nguồn nước, nhà máy sông Đà có trách nhiệm kiểm tra nước trước khi đưa vào xử lý và cung cấp cho khách hàng.
Hiện vẫn chưa xác định được loại dầu thải được đổ trộm xuống suối, cơ quan chức năng đã lấy toàn bộ mẫu và đang tiến hành xác định. Hồ Đầm Bài có nhiều con suối nhỏ tại các nơi chảy về nên việc quản lý và bảo vệ nguồn nước là rất khó khăn.
Trả lời các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết, khắc phục tình hình hiện nay, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, ông Bùi Đăng Khoa cho biết: Dù nhà máy đã súc rửa toàn bộ hệ thống đường ống, song chưa thể khẳng định thời điểm người dân Hà Nội có thể yên tâm sử dụng nước phục vụ ăn uống. Công ty vẫn khuyến cáo người dân nên dùng nước được cấp trở lại để tắm rửa không nên dùng cho ăn uống.
Khi được báo chí chất vấn Nhà máy có xin lỗi khi để người dân dùng nước bẩn hay không, đại điện nhà máy nước Sông Đà cho rằng: công ty là nạn nhân thiệt hại lớn nhất, do đó việc xin lỗi chỉ được thực hiện khi công an tỉnh Hòa Bình tìm ra hung thủ đổ trộm dầu thải và có kết luận về toàn bộ nội dung vụ việc.
Những ngày qua, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội. Câu trả lời không rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà tại buổi họp báo đã không làm hài lòng dư luận và gây bất bình cho hàng vạn khách hàng này.