Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng dự định sẽ thực hiện những quyết sách gì để tạo nên sự “đột phá” trong giai đoạn 2016 - 2021 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý 8 lĩnh vực chuyên ngành, góp phần phát triển bền vững đất nước? Một cách tổng quan nhất, trong giai đoạn 2016 - 2021, để nâng cao hiệu quả quản lý 8 lĩnh vực chuyên ngành góp phần phát triển bền vững đất nước cần phải làm những việc sau đây: Trước hết phải rà soát toàn bộ hệ thống chính sách có liên quan, nếu thấy sai, thấy chưa phù hợp thì phải sửa đổi kịp thời, để chính sách có chỗ đứng trong cuộc sống. Đúc kết thực tiễn, học hỏi các hệ thống chính sách tiên tiến, nhằm xây dựng một hệ thống chính sách quản lý ngành có tính khoa học và thực tiễn ngày càng cao.
Tăng cường truyền thông về pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông, hệ thống giáo dục các cấp với sự phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống quản lý ngành ở các cấp theo hướng tối ưu hóa, để hoạt động thông suốt, hiệu quả. Cải cách hành chính mạnh mẽ; tích cực phân cấp quản lý đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; nâng cao trình độ quản lý của công chức.
Mục tiêu cuối cùng là có một hệ thống quản lý ngành phục vụ nhân dân hiệu quả, mỗi công chức trong ngành đều hoàn thành tốt phận sự của mình. Đồng thời tăng cường thanh tra việc thực hiện các qui định pháp luật trong các hoạt động của ngành. Đặc biệt đề cao vai trò giám sát hoạt động của ngành do Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc thực hiện theo luật định. Tích cực, chủ động phối hợp trong hoạt động quản lý Nhà nước với các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, liên bộ. Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, đổi mới nhanh công nghệ trong các lĩnh vực kĩ thuật, đối với các lĩnh vực trọng yếu: Quan trắc môi trường, điều tra cơ bản tài nguyên biển - đảo, viễn thám… cần xem xét đi thẳng vào công nghệ cao.
Sử dụng hợp lý, chống tham nhũng, thất thoát nguồn lực tài chính của ngành. Mặt khác, cần tăng cường nguồn lực tài chính thông qua hoạt động xã hội hóa theo nguyên tắc phổ quát: Người sử dụng phải trả phí, người gây ô nhiễm phải chịu phạt. Tận dụng nguồn lực tài chính từ bên ngoài của các tổ chức quốc tế, các chính phủ, tổ chức phi chính phủ. Mở rộng, nâng cao qui mô và chất lượng hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, khu vực, toàn cầu.
Một trong những nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đề ra trong thời gian tới là lấy kết quả phục vụ người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của ngành. Để làm được điều này, theo Bộ trưởng cần phải thực hiện như thế nào? Chính quyền là của nhân dân. Công chức là công bộc của dân. Vì vậy, phục vụ nhân dân là điều hiển nhiên, trở thành mục tiêu cao nhất của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Để đạt được mục tiêu này, cần lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng, đối thoại cởi mở với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Phát huy lợi thế to lớn do công nghệ thông tin mang lại trong hoạt động trao đổi thông tin.
Minh bạch các thông tin để tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết, đóng góp ý kiến, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu hình thành chủ trương, chính sách và trong cả quá trình thực hiện chủ trương, chính sách. Phân cấp triệt để các hoạt động quản lý Nhà nước, đồng thời xác lập yêu cầu về trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cấp. Đặc biệt chú trọng đến qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nâng cao chất lượng của các cấp quản lý Nhà nước, thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động thường nhật của các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân.
Hoàn thiện các thủ tục hành chính theo hướng tối ưu, dành thuận lợi nhiều nhất cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Định kỳ điều tra, đánh giá định lượng kết quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp thông qua các phiếu đánh giá của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những giải pháp khả thi ra sao, để vừa có thể ứng phó nhằm giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vừa có thể thích ứng với hiện tượng này, thưa Bộ trưởng? Lượng nước phát sinh ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310 - 315 tỷ m3/năm), còn lại, khoảng 63% lượng nước chảy qua lãnh thổ Việt Nam là phát sinh ngoài biên giới. Nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam đã và đang tăng nhanh. Tình hình khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, từ việc thiếu phối hợp trong việc xả nước của hệ thống các nhà máy điện của các nước trong cùng lưu vực và cả từ việc sử dụng lãng phí tài nguyên nước. Nó cho thấy an ninh nguồn nước đã và đang trở thành vấn đề cấp bách đối với đất nước. Nhiệm vụ đặt ra là phải bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn nước xuyên quốc gia.
Để làm tốt hai nhiệm vụ này trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước nhằm bảo vệ, quản lý chặt chẽ thúc đẩy các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, tổng điều tra cơ bản tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước. Lập bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1/100.000 cho 50% diện tích toàn quốc, tỷ lệ 1/50.000 cho các vùng khan hiếm nước, thiếu nước và tỷ lệ 1/25.000 cho một số vùng trọng điểm.
Thứ hai, triển khai Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; và nước các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh.
Thứ ba, khai thác, sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu. Kiểm soát được mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt. Khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Thứ tư, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, tình hình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông; theo dõi biến động nguồn nước. Tăng cường tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên nước.
Thứ năm, cần phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế để đàm phán với các quốc gia liên quan nhằm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ, bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia. Về lâu dài, khả năng khan hiếm nước ngọt trên toàn cầu là một nguy cơ có thể dự báo trước. Để không rơi vào thế bị động, việc cơ cấu lại các hình thức sản xuất, thay đổi lối sống để có thể thích nghi với điều kiện tự nhiên ở những vùng khan hiếm nước, cần phải được tính toán ngay từ bây giờ. Nguyên tắc này cũng sẽ được áp dụng để con người có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!