Hoàn thiện chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 25/4, Hội đồng Dân tộc và Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2005-2012. Phiên giải trình được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trực tiếp giải trình, trả lời các câu hỏi của các đại biểu.


Nội dung giải trình là làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện công tác giảm nghèo với trọng tâm chính: Công tác xây dựng, ban hành và tổ chức điều hành thực hiện chính sách pháp luật, điều tra, thống kê xác định đối tượng nghèo, phân bổ nguồn lực, thanh tra kiểm tra; Thực trạng kết quả giải quyết tình hình thiếu đất, chủ yếu là đất sản xuất trong một bộ phận của đồng bào dân tộc thiểu số, những tác động của thiên tai, việc thực hiện các dự án kinh tế xã hội, nhất là thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp và biện pháp để khắc phục những tác động tiêu cực đến hiệu quả giảm nghèo; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp có tính chất then chốt quyết định để thực hiện giảm nghèo có hiệu quả hơn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới, nhất là giai đoạn sau 2015-2020.


Tham gia trả lời còn có Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến…


Giảm chồng chéo chính sách


Trả lời câu hỏi của các đại biểu về giải pháp nhằm giảm thiểu chồng chéo trong chính sách về giảm nghèo, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã phân công cho từng ngành rà soát các chính sách thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Trong đó, một trong các giải pháp ưu tiên là tiếp tục tập trung cao cho những vùng khó khăn, tập trung nguồn lực của giai đoạn còn lại cho các xã nghèo, huyện nghèo; ưu tiên nguồn lực cho đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu để cho bà con có điều kiện phát huy nội lực; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, tăng nguồn vốn vay phát triển sản xuất.

Đồng thời, các bộ ngành cũng cần hướng dẫn nghề nghiệp để bà con sản xuất thoát nghèo; tăng đầu tư cho cộng đồng khu vực nghèo nói chung, khuyến khích các hộ nghèo vay các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc. Thời gian tới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được phân loại, đối tượng hộ nghèo không còn sức lao động sẽ chuyển sang đối tượng bảo trợ xã hội. Các đối tượng mất đất sản xuất… tùy theo mức độ sẽ được phân cấp cho địa phương để trên cơ sở đó đề xuất các nhóm chính sách...


Giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất


Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng thiếu đất sản xuất đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử nêu rõ: Trước hết là do nhiều địa phương chưa làm tốt việc phân bổ đất sản xuất; đất bị thu hồi để phục vụ lợi ích công; thiên tai mất mùa; một số địa phương thiếu đất… Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội cần có Nghị quyết về bố trí đất đai cho vùng đồng bào dân tộc.


Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định việc thiếu đất sản xuất là vấn đề lớn, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới. Theo Bộ trưởng, các bộ ngành cần rà soát lại các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó có thể thu hồi một phần đất phù hợp để tiếp tục ưu tiên giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Thời gian qua, thực hiện Quyết định 146/2005 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã thu hồi 890.000 ha của các nông, lâm trường. Trong đó, các nông trường đã bàn giao là 37.800 ha, các lâm trường đã giao 641.000 ha và các Ban quản lý rừng đặc hộ, phòng hộ đã giao 211.000 ha.


Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, hiện nay ở nhiều địa phương không còn đất để giải quyết cho đồng bào sản xuất nông nghiệp nhưng mà quỹ đất lâm nghiệp còn nhiều. Vì thế, Nhà nước có chủ trương đẩy mạnh giao đất, giao rừng, khoán rừng cho đồng bào. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 231/2005, thí điểm giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản. Đến nay, đã có 5.427 hộ dân được giao 118.000 ha. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần tiếp tục hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả hơn trên diện tích hiện có; thực hiện các chính sách giúp đồng bào phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, đào tạo nghề cho đồng bào…


Dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào


Giải trình về hướng dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chỉ rõ có hai hướng dạy nghề, đó là Chính phủ đã có Quyết định 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2012, quy định ưu tiên dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động và Quyết định 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, quy định hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.


Thông tin về các chính sách học nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chỉ rõ: Quyết định 267/2005/QĐ -TTg về chính sách dạy nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã có hiệu quả bước đầu, tuy nhiên đối tượng quy định của Quyết định còn hẹp; kinh phí giao cho địa phương tự cân đối vì vậy chương trình để học sinh đi học nghề tại các trường nội trú còn ít. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định 267 theo hướng tất cả con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề đều được hưởng chế độ; địa phương nào không cân đối được ngân sách thì sẽ được Trung ương hỗ trợ thực hiện mục tiêu để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao tri thức, tay nghề...


Khắc phục bất cập trong thực hiện chính sách


Các bộ trưởng đã tập trung giải đáp các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về biện pháp nhằm hạn chế tình trạng di dân tự do; vai trò của các doanh nghiệp trong việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề giáo dục đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số...


Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đánh giá các bộ trưởng chuẩn bị tài liệu đầy đủ, giải đáp được nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Thông qua đó có thể thấy được bức tranh toàn cảnh, những hạn chế, thách thức trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc đề nghị các bộ ngành cần tập trung rà soát các cơ chế chính sách, khắc phục tình trạng có nhiều nội dung chồng chéo; cân đối nguồn lực cho các chính sách được ban hành; tăng cường phân cấp cho địa phương, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ dạy nghề cho vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, các bộ, ngành cần đề ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, thu hút lao động đồng bào dân tộc thiểu số làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp, giải quyết sức ép về thiếu đất sản xuất... nhằm giãn dần khoảng cách giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc với người dân địa phương; xây dựng các mô hình đoàn kết dân tộc...


Phúc Hằng

Hiệu quả trường dân tộc bán trú ở vùng núi
Hiệu quả trường dân tộc bán trú ở vùng núi

Sau hơn 1 năm đưa mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú vào hoạt động, con em đồng bào các dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã gắn bó hơn với trường lớp, tình trạng bỏ học giảm hẳn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN