Đồng chủ trì Hội thảo có Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tiến sĩ Lê Mậu Nhiệm, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản, nhất quán của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Với chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt để tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai thắng lợi Chương trình phối hợp thống nhất hành động hằng năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, phát huy, từ đó góp phần tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định, phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các đại biểu dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là hoạt động thực tiễn ở địa phương, đơn vị trong quá trình công tác, làm rõ quá trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị (khóa VII) và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX).
Cùng với đó, Hội thảo cần đánh giá, tổng kết thành tựu, hạn chế và nguyên nhân cũng như các thuận lợi, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện hai Nghị quyết trên, từ đó đề xuất các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ông Nguyễn Hữu Dũng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất phương hướng, kiến nghị để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện hai Nghị quyết phù hợp với giai đoạn tiếp theo.
Để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có đủ các điều kiện căn bản, thiết yếu thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xác lập đúng vị trí, vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị để bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng thời, ông Lê Bá Trình cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về mối quan hệ giữa các tổ chức của hệ thống chính trị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước hết là quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải được thực hiện đồng bộ, đồng thời cả hai vai trò: Vai trò thành viên và vai trò lãnh đạo; hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt là làm chủ thông qua tổ chức và hoạt động của Mặt trận.
Đánh giá về thực trạng triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhật, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hội nghị phổ biến Nghị quyết tới các thành phần, đặc biệt là các cán bộ chuyên trách của Mặt trận. Đây là việc làm thể hiện tính chủ động, tinh thần trách nhiệm cao của Mặt trận nhằm phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các cá nhân tiêu biểu, có uy tín, các chức sắc tôn giáo và hệ thống Mặt trận trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhật, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW còn một số hạn chế nhất định cần sớm khắc phục trong thời gian tới, đơn cử như công tác tuyên truyền, phổ biến các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở một số địa phương, nhất là ở cấp huyện và cấp cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế. Ở một số cuộc vận động và phong trào thi đua, việc tập hợp, đoàn kết nhân dân còn mang tính hình thức, phong trào thiếu bền vững, chưa phát huy được tính sáng tạo, tính tự quản của nhân dân. Việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội chưa chủ động, kịp thời, thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn hình thức.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào một số nội dung khác như: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở các địa phương; những yếu tố tác động và phương hướng tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới...