Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được của ngành, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam được giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản, đến nay, Cục đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình triển khai xây dựng Luật (phần địa chất), thưa ông?
Luật Khoáng sản năm ban hành năm 2010, trải qua hơn 10 năm triển khai, ngành Địa chất Khoáng sản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện, Luật cũng bộc lộ những vấn đề bất cập cần sửa đổi.
Do đó, Luật Địa chất và Khoáng sản xây dựng lần này (về phần địa chất) bổ sung làm rõ, cụ thể hơn các nội dung, yêu cầu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản để mọi người hiểu rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của những thông tin, tài liệu mà ngành địa chất có thể cung cấp phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, địa phương. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và người dân trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.
Những năm qua vẫn tồn tại cách hiểu công tác địa chất chỉ đơn giản là điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản. Luật Địa chất và Khoáng sản lần này chỉ rõ nội dung điều tra cơ bản địa chất và điều tra địa chất về khoáng sản. Nội dung điều tra cơ bản địa chất bao gồm: Điều tra địa chất (các yếu tố địa chất cơ bản như địa tầng, magma, kiến tạo, khoáng sản,...); các trường địa vật lý; địa hóa; địa mạo; vỏ phong hóa; tai biến địa chất; địa chất môi trường; địa chất thủy văn; địa chất công trình; địa chất đô thị; di sản địa chất; không gian địa chất lòng đất; tài nguyên địa nhiệt; tài nguyên vị thế.
Nội dung điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm: Điều tra tại các cấu trúc địa chất có tiền đề, dấu hiệu thuận lợi từ kết quả điều tra cơ bản địa chất, khoanh định các diện tích triển vọng để đánh giá tài nguyên; đánh giá tài nguyên khoáng sản tại các diện tích triển vọng nhằm xác định chất lượng, số lượng khoáng sản.
Việc xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản (phần địa chất) lần này, thuận lợi là cơ bản, do các nội dung điều tra cơ bản địa chất và điều tra địa chất về khoáng sản thực tế đã được nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành trong những năm qua, đã thu được những kết quả đáng kể và tích lũy được những kinh nghiệm. Đây là cơ sở quan trọng để hoàn thiện quy định đưa vào Luật. Do nhiều đơn vị thực hiện, không có quy định thống nhất, nhiều nội dung chưa có quy hoạch và cũng chưa được luật hóa nên việc lựa chọn đưa vào Luật hóa cũng có khó khăn nhất định. Mặt khác, việc đưa vào Luật sao cho xã hội và mọi người dân hiểu đúng, đầy đủ và thấy được vai trò, giá trị, hiệu quả của công tác điều tra cơ bản địa chất, có trách nhiệm và đồng tình ủng hộ cũng là những vấn đề đặt ra cần giải quyết khi xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản (về phần địa chất) lần này.
Về triển khai Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cục Địa chất Việt Nam đã tiến hành thực hiện những nhiệm vụ cụ thể nào, đặc biệt trong Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thưa ông?
Triển khai thực hiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023), Cục Địa chất Việt Nam đã chủ trì xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Triển khai Kế hoạch nêu trên, trong năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam đã thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (phần địa chất): Dự thảo đã được gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ cho ý kiến.
Chủ trì Lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra không gian ngầm, điều tra các khoáng sản ẩn sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất-khoáng sản và quản trị tài nguyên khoáng sản; thống kê, kiểm kê nguồn lực tài nguyên khoáng sản trong phạm vi cả nước; xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, khoa học - kỹ thuật, chuyên gia có trình độ cao và công nhân lành nghề cho ngành địa chất, khoáng sản; xây dựng chế độ đãi ngộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành địa chất, khoáng sản.
Về triển khai thực hiện Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050: trong năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam đã và đang triển khai 10 đề án thuộc 3 nhóm nhiệm vụ gồm: Điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản phần đất liền (4 đề án); Điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản biển (3 đề án); Điều tra địa chất môi trường (3 đề án).
Theo đó, một số kết quả đạt được nổi bật gồm: Đã cung cấp hơn 50 khu vực khoáng sản mới được phát hiện, điều tra, đánh giá tài nguyên để đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên cơ sở các kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản các khu vực Tây Bắc, Trung Bộ. Đáng lưu ý là các khu vực quặng đồng ở Kon Tum, Lào Cai; quặng vàng ở Tuyên Quang, Lai Châu; quặng đất hiếm ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái; kaolin - felspat ở Yên Bái, Sơn La; cát trắng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam; quarzit, thạch anh, đá ốp lát ở nhiều nơi;…
Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành điều tra, đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp khu vực biển 0-10m thuộc tỉnh Sóc Trăng, tài nguyên xác định cấp 333 + 222 là 0 triệu m3, trong đó cấp 222 là 145 triệu m3 chuyển thăm dò khai thác, phục vụ nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp đắp nền các dự án đường cao tốc, công trình hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cục Địa chất Việt Nam hoàn thành lập bản đồ địa chất công trình dải ven biển tỷ lệ 1:100.000 kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) trên diện tích 65.400 km2. …
Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thành bay đo từ - trọng lực tỉ lệ 1:250.000 trên diện tích hơn 270.000 km2 vùng biển và hải đảo Việt Nam; hoàn thành điều tra, thành lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1: 250.000 trên diện tích 15 tỉnh miền núi, biên giới khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; khoanh định một số khu vực có dị thường phóng xạ, khoáng sản độc hại trên địa bàn các tỉnh Kon-Tum, Lâm Đồng, cung cấp thông tin cần thiết về địa chất môi trường cho các địa phương.
Hướng đến sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng của ngành Địa chất trên khắp mọi miền đất nước, theo ông, Cục cần có những định hướng gì nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024?
Hướng đến sự phát triển bền vững, phát huy tiềm năng của ngành Địa chất trên khắp mọi miền đất nước, nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024, Cục Địa chất Việt Nam đề ra một số định hướng chủ yếu gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản đảm bảo chất lượng, trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua; xây dựng dự thảo Nghị định trình Chính phủ ban hành sau khi Luật được thông qua.
Hoàn thành cơ bản đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” để cung cấp các thông tin địa chất và cơ sở nguyên liệu khoáng, nhất là khoáng sản quan trọng, chiến lược (đất hiếm, kim loại quý, hiếm) cho các ngành, địa phương…
Cục tiếp tục triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” phục vụ nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp đắp nền các dự án đường cao tốc, công trình hạ tầng trong vùng. Tiếp tục thực hiện đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” để cung cấp cơ sở nguyên liệu khoáng cho các ngành, địa phương; tiếp tục triển khai các đề án điều tra địa chất môi trường để cung cấp cho các địa phương các thông tin, số liệu điều tra về môi trường phóng xạ, khoáng sản độc hại.
Cùng với đó, Cục trình phê duyệt và triển khai thực hiện các đề án: Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng; điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế-xã hội; điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Bắc Trung Bộ và hoàn thiện nền bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000.
Trân trọng cảm ơn ông!