Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì hội thảo và tọa đàm.
Tại hội thảo và tọa đàm, đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho rằng, tại khoản 3, điều 23 của Luật Biên phòng Việt Nam, khi xây dựng Nghị định cần bổ sung thêm nội dung việc quy định trách nhiệm hỗ trợ về nhân lực, vật lực trong những tình huống thiên tai, dịch bệnh kéo dài xảy ra có liên quan ở biên giới và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở khu vực biên giới. Khi đưa nội dung này vào Luật sẽ là cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cho các tỉnh biên giới huy động được trách nhiệm của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia khi cần thiết.
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cũng cho rằng, một số quy định tại dự thảo của Nghị định còn bất cập, chưa thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo đại diện UBND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, Nghị định cần bổ sung thêm nội dung về khu vực được tổ chức diễn tập phòng thủ và quy định thời gian cụ thể về việc bàn giao thực địa sau khi phân giới cắm mốc ở biên giới.
Cụ thể, tại Tân Biên, những đoạn biên giới đã được phân giới cắm mốc, tình trạng bàn giao thực địa (phân ranh đất đai thực tế sau cắm mốc) giữa Việt Nam và Campuchia diễn ra khá chậm so với kế hoạch đề ra, phần nào đã gây không ít khó khăn trong công tác bảo vệ biên giới của các lực lượng đóng quân tại biên giới.
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy Trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời gian qua, khi Luật Biên phòng Việt Nam chưa có hiệu lực thi hành thì các đơn vị phối hợp với Biên phòng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, UBND các huyện biên giới… đã phối hợp khá nhịp nhàng, tạo vững chắc khu vực biên giới ở Tây Ninh. Đây cũng là tiền đề cơ sở để phối hợp chặc chẽ hơn, khi Luật Biên phòng Việt Nam có hiệu lực thi hành.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, khi Nghị định được xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành và có hiệu lực sẽ gỡ rối nhiều quy định chồng chéo về quản lý biên giới trước đó.
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Nguyễn Hoài Phương đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo - tọa đàm; những ý kiến đóng góp chỉnh lý liên quan đến các vấn đề về cơ chế, chính sách, phạm vi áp dụng của Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được xem xét, bổ sung, hoàn thiện vào hồ sơ dự thảo Nghị định, sau đó sẽ lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương… để Bộ Quốc phòng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, bảo đảm hiệu lực của Nghị định cùng thời điểm với Luật Biên phòng Việt Nam khi có hiệu lực.