Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xác định rõ vai trò của công tác tư pháp trong hoạt động Nhà nước và Bộ Tư pháp đã có mặt trong nội các của Chính phủ lâm thời, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân.
Trong Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ IV (tháng 2/1948) và tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng, khẩn trương tổ chức lại và điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến gọn nhẹ. Bộ máy các cơ quan tư pháp và hệ thống pháp luật tố tụng được cải cách theo hướng tăng cường tính chất nhân dân của nền tư pháp, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án, đưa tư pháp về gần dân, huy động nhân dân tham gia vào hoạt động tư pháp một cách thiết thực.
Những năm đầu của Nhà nước dân chủ nhân dân, Bộ Tư pháp được giao trọng trách xây dựng một nền tư pháp nhân dân, quản lý toàn diện các mặt hoạt động tư pháp, chịu trách nhiệm soạn thảo và tổ chức thi hành các đạo luật về quyền tự do, dân chủ của cá nhân, về dân sự, hình sự và thủ tục tố tụng, tổ chức và quản trị các Tòa án, quản lý các viên chức Tòa án, viên chức ngạch tư pháp, luật sư, thừa phát lại, phụ trách công việc quốc tịch, thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp và ủy thác tư pháp với nước ngoài...
Đặc biệt, năm 1986, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc, trước hết là đổi mới về kinh tế. Từ sự đổi mới về tư duy pháp lý, Bộ Tư pháp đã chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đạo luật, pháp lệnh đầu tiên của thời kỳ đổi mới. Những đề xuất đổi mới về pháp luật đã tạo không gian pháp lý phù hợp, giúp nhanh chóng giải phóng tối ưu các nguồn lực trong cả nước, thổi luồng gió mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới về pháp luật có tính trụ cột trong hệ thống pháp luật như chủ trì xây dựng Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng hình sự 1988, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986; Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988; Pháp lệnh Trừng trị tội hối lộ năm 1981…
Ngày 16/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp có chức năng quản lý Nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, bồi thường nhà nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp… Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp năm 2013 và các định hướng cải cách tư pháp. Bộ Tư pháp đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội ban hành: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2019, Luật Giám định Tư pháp năm 2020, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, Luật Tiếp cận thông tin 2016…
Ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, triển khai đăng ký khai sinh, quản lý hộ tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến… Công tác thi hành án dân sự, tổ chức thi hành pháp luật và các công tác khác có nhiều chuyển biến. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới; phản ứng chính sách kịp thời, nhạy bén hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID -19 xảy ra trên phạm vi cả thế giới. Bên cạnh đó, trước tác động của đại dịch, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động nghiên cứu, góp ý, thẩm định kịp thời về cơ sở pháp lý để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp những chính sách, giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có thể nói, những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được đã đóng góp thiết thực vào những thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và tăng cường vị thế đối ngoại của đất nước. Bộ Tư pháp đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý, trong đó có một lần được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, một lần được tặng thưởng Huân chương Sao vàng và hai lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Với chức năng của mình, ngành Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu này. Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, để phát huy truyền thống và những thành tựu quan trọng đã đạt được qua các thời kỳ, Bộ Tư pháp cần tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành Tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; kế thừa truyền thống đoàn kết, tâm huyết, trí tuệ, yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp; khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy các thành tựu, kinh nghiệm, bài học, tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ đó, nâng cao vai trò, uy tín của ngành Tư pháp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ động nghiên cứu, rà soát hệ thống pháp luật để tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, bảo đảm cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng; hoàn thiện môi trường pháp lý, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Bám sát các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tham gia tích cực, trách nhiệm vào việc xây dựng Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Ngành Tư pháp cùng bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tham mưu chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công việc trong bối cảnh dịch COVID-19, nhất là ban hành các văn bản về kiểm soát phòng, chống dịch nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.