* Ngày 15/3, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam do bà Hà Thị Minh Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tỉnh Hà Nam hiện có 17 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 3 cơ quan hành chính thuộc UBND tỉnh; cấp huyện có 12 phòng chuyên môn trực thuộc. Tỉnh đã thực hiện rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, bộ máy, biên chế công chức, số lượng viên chức; sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính trực thuộc bảo đảm đúng quy định, phù hợp với cải cách hành chính. Đến nay, 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc xây dựng quy hoạch mạng lưới, sắp xếp, kiện toàn, sáp nhập, giải thể các đơn vị theo hướng tinh gọn về tổ chức và bộ máy, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế. Hiện 100% cơ quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết qua cơ chế một cửa; không có đơn vị sai phạm hoặc có đơn thư phản ánh, kiến nghị về cải cách tổ chức bộ máy hành chính…
Tuy nhiên, quá trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc do thiếu các văn bản hướng dẫn hoặc còn chồng chéo. Bên cạnh đó, việc triển khai xác định vị trí việc làm còn chậm; biên chế công chức hiện đã giao cho tỉnh còn thấp so với số lượng các cơ quan chuyên môn và các đơn vị hành chính cấp huyện gây khó khăn cho địa phương trong việc bố trí, sử dụng cũng như triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, UBND tỉnh Hà Nam đề xuất 3 nhóm giải pháp về thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và nhóm giải pháp về nguồn lực; đồng thời kiến nghị với cơ quan chức năng về việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 55/2011/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện; hướng dẫn, quy định chung về khung năng lực, các định mức lao động hoặc định mức kỹ thuật cho việc xác định, hoàn thiện vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng như các đơn vị sự nghiệp. Cơ quan chức năng cũng cần quan tâm hơn nữa chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, để cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…
Tại buổi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam và các sở, ngành liên quan, các địa phương làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, sắp xếp và cải cách bộ máy hành chính trên địa bàn; số lượng cấp phó các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc; bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện; chế độ chính sách tiền lương cho cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách; việc thực hiện sắp xếp, bố trí biên chế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện...
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tại buổi tiếp công dân. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN |
* Ngày 15/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh cùng các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai do ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chủ trì đã có buổi tiếp công dân nhằm lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị của các hộ dân.