Hội nghị 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII đã diễn ra bằng hình thức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.

Chú thích ảnh
Đồng chí Hà Thị Nga, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Hội nghị lần này, Ban Chấp hành dành thời gian tập trung thảo luận và quyết định về các nội dung: Đánh giá thực hiện chỉ tiêu nhiệm kỳ 2017-2022; Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026; Thực hiện kiện toàn Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022. 

Tại hội nghị, 100% Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhất trí bầu bà Nguyễn Thị Minh Hương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giữ chức vụ Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Hội nghị Ban Chấp hành lần này diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận quan trọng của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đang có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện những nhiệm vụ quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, dù dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, đời sống, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động trong các khu công nghiệp, người lao động tự do, người dân nhập cư trong các khu trọ bị phong tỏa, cách ly… Phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế là nhóm bị tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Dịch bệnh cũng gây không ít khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ công tác Hội theo kế hoạch đề ra.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Theo bà Hà Thị Nga, trong 8 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội đã khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo, vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh, vừa linh hoạt triển khai nhiệm vụ theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề ra. Trong đó, nổi bật như: Tiếp tục thể hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đề xuất thành công nhiều nội dung về bình đẳng giới trong các chương trình, đề án của Chính phủ. Các cấp Hội đã rất tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với nhiều mô hình/hoạt động thiết thực; tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện “mục tiêu kép": Vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa tập trung góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...

Theo báo cáo, đến ngày 25/9, triển khai Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19, Hội đã huy động được 326.700 suất quà, trị giá 98,01 tỷ đồng. Các cấp Hội địa phương chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả hỗ trợ phòng chống dịch; đã huy động được nguồn lực (gồm tiền mặt, hiện vật…) trị giá 358,95 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch.

Một số mô hình, tiêu chí đã được các cấp Hội đăng ký và triển khai thực hiện hiệu quả như: “5 không 3 sạch” đã vận động hỗ trợ phụ nữ nghèo, vận động phụ nữ giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới; “Không đói nghèo”: thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh thông qua hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, mô hình sinh kế, hỗ trợ từ thiện nhân đạo (tính đến 31/5, các cấp Hội tín chấp cho hội viên, phụ nữ vay vốn với tổng dư nợ đạt 120,854 ngàn tỷ đồng cho 3.113.267 người vay).

Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ 210 xã biên giới khó khăn (trong đó 110 xã biên giới giai đoạn 2018 - 2020). Đến nay đã có 25/26 Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh biên giới và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng ký chương trình phối hợp. Tổng tiền hỗ trợ của 63 tỉnh thành và các đơn vị cho các xã biên giới tính đến tháng 8/2021 là 16 tỷ đồng.

Đồng thời, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trung ương Hội đã tổ chức lấy ý kiến góp ý từ chuyên gia, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các Ban/đơn vị đối với Hồ sơ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật triển khai thực hiện dự án thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia…

Đỗ Bình (TTXVN)
Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội lan tỏa tình yêu thương đến hội viên
Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội lan tỏa tình yêu thương đến hội viên

Ngày 17/8, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội do Chủ tịch Hội Lê Kim Anh làm Trưởng đoàn, đã trao tặng 70 suất quà hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Sóc Sơn; động viên tổ công tác tại 2 điểm chốt kiểm soát dịch ở xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN