Đây là hội nghị thường kỳ cuối cùng của năm 2021, nhằm thảo luận, cho ý kiến về 6 nội dung rất quan trọng về: Tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công của thành phố; dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; dự thảo Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, xây dựng và công tác quản lý đất đai, khoáng sản; dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy Hà Nội...
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng gợi mở một số điểm để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định. Trong đó, về dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng và công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy cho rằng, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng đô thị, công tác quản lý đất đai, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, trong công tác này đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Sự thiếu lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, cùng sự thiếu trách nhiệm, sự hạn chế về năng lực, trình độ của 1 bộ phận cán bộ là những nguyên chính dẫn đến những khuyết điểm, yếu kém như đã nêu.
Để khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai và khoáng sản, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND xây dựng 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với 2 lĩnh vực rất quan trọng này.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung của dự thảo Chỉ thị, đặc biệt là các tồn tại, hạn chế và các giải pháp, biện pháp để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ Công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, công chức, đổi mới lề lối làm việc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý; quy định rõ trách nhiệm cấp ủy, người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra vi phạm, sai phạm trên địa bàn, trong lĩnh vực được phân công phụ trách… để thực sự công tác quản lý đối với 2 lĩnh vực này của thành phố đi vào nề nếp, có chuyển biến mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Về dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy cho biết: Nhằm khơi dậy, khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ thành phố và Chương trình công tác số 06 ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Nghị quyết đã được tổng hợp từ thực tiễn công tác phát triển văn hóa trong thời gian qua; tham khảo kinh nghiệm các quốc gia trong khu vực, tham vấn của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc tại Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong, ngoài nước, cùng nhiều ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, định hướng của thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa, cùng với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, với 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và cũng là 1 trong 2 Nghị quyết chuyên đề theo chương trình công tác toàn khóa XVII của Thành ủy. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp tích cực vào toàn văn dự thảo Nghị quyết, đặc biệt cần bàn kỹ, bàn sâu các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính căn cơ, lâu dài để có thể khơi dậy, bảo tồn và phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Ngoài các nội dung trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng gợi mở các đại biểu đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét đối với các vấn đề: Tình hình kinh tế xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2021, 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2022-2024 của thành phố; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách. Định mức phân bổ ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của thành phố năm 2022, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách Nhà nước, quy định tỷ lệ điều tiết giữa các cấp ngân sách của thành phố cần đảm bảo tính hiệu quả, tính công bằng, tính hợp lý giữa các quận/huyện/thị xã và cũng cần tạo thêm nguồn lực cần thiết để các huyện sớm phát triển lên quận theo kế hoạch đề ra, hỗ trợ khó khăn cho một số huyện, thị xã có thêm nguồn lực để khơi thông, phát triển kinh tế; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách thành phố Hà Nội năm 2020; dự thảo kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy.