Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 ra Tuyên bố chung của các bộ trưởng. Trước đó, vào sáng 21/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và có bài phát biểu chào mừng tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài
chính Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch FMM 2017 chủ trì Họp báo quốc tế về kết
quả tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, chiều 21/10. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch FMM 2017 đã đọc Tuyên bố chung với nội dung cơ bản như sau: Về Kinh tế toàn cầu và khu vực, các bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế của khu vực đã thảo luận về viễn cảnh kinh tế tài chính mà các nền kinh tế đang đối mặt, chia sẻ quan điểm về các hành động chính sách phù hợp. Theo đó, viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn khá lạc quan, với sự phục hồi trên diện rộng cả ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển. Trong trung hạn, rủi ro về thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn tồn tại. Tăng trưởng năng suất lao động chậm lại sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng bền vững. Các bộ trưởng tài chính cam kết sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động ưu tiên, hợp tác về kinh tế, tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu cùng vun đắp tương lai chung.
Các bộ trưởng tài chính cam kết sử dụng các công cụ chính sách, tiền tệ, tài khóa, cơ cấu ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp chung để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng, bao trùm. Chính sách tài khoá phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nền kinh tế cần được sử dụng một cách linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP duy trì ở mức bền vững. Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, đảm bảo ổn định giá cả, phù hợp với các chức năng của ngân hàng trung ương. Các nền tảng cơ bản vững chắc, các chính sách lành mạnh và một hệ thống tiền tệ quốc tế bền vững là các yếu tố cơ bản của tỷ giá ổn định, đóng góp vào tăng trưởng, đầu tư mạnh mẽ, bền vững.
Hệ thống tỷ giá linh hoạt, nếu có thể áp dụng, sẽ giúp làm giảm các cú sốc. Tỷ giá linh hoạt quá mức hoặc dao động lộn xộn có thể gây nên tác động bất lợi đối với sự ổn định kinh tế, tài chính. Các bộ trưởng tài chính sẽ từ bỏ việc phá giá cho mục tiêu cạnh tranh, không hướng các mục tiêu tỷ giá vào mục tiêu cạnh tranh. Các bộ trưởng tài chính cũng khẳng định vai trò quan trọng của các chương trình cải cách cơ cấu đối với tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm. Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC là một diễn đàn tích cực để tăng cường hợp tác chính sách, trao đổi kinh nghiệm giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Về Kế hoạch hành động Cebu, các bộ trưởng tài chính của các nền kinh tế của khu vực hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc đăng ký, triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Cebu (CAP). Các bộ trưởng tài chính khuyến khích các nền kinh tế thành viên, trên nguyên tắc tự nguyện và không ràng buộc, tiếp tục gửi đăng ký các hoạt động và sáng kiến tương ứng với CAP để triển khai phù hợp với hoàn cảnh trong nước. Các bộ trưởng tài chính hoan nghênh sự tham gia tích cực của các tổ chức quốc tế, các diễn đàn phù hợp trong APEC, khuyến khích các tổ chức này tiếp tục cung cấp hỗ trợ để giúp các nền kinh tế thành viên đạt được các mục tiêu của CAP.
Các bộ trưởng tài chính hoan nghênh những đóng góp của Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC và Diễn đàn Tài chính châu Á - Thái Bình Dương vào việc triển khai CAP, bao gồm cả những khuyến nghị về cơ sở hạ tầng thị trường tài chính, tài chính vi mô. Các bộ trưởng tài chính khuyến khích các đối tác quan tâm tiếp tục phối hợp để thúc đẩy các sáng kiến này trong CAP.
Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 đã thể hiện rõ nhận thức tầm quan trọng của việc huy động các nguồn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và của cơ sở hạ tầng chất lượng tốt đối với tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng là giải pháp quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu cao về nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng.
Các bộ trưởng tài chính hoan nghênh những nỗ lực và kết quả hợp tác về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng trong năm APEC 2017, thực hiện định hướng theo Trụ cột 4 của CAP. Trên cơ sở đó, các bộ trưởng tài chính thông qua Tuyên bố chính sách về Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế thành viên APEC; khuyến khích các nền kinh tế cân nhắc các kiến nghị nhằm cải thiện nguồn đầu tư dài hạn cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng các cơ chế chia sẻ rủi ro và áp dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro phù hợp là yếu tố quan trọng của một dự án thành công, các bộ trưởng tài chính hoan nghênh báo cáo Các kinh nghiệm tốt về chia sẻ, giảm rủi ro trong các dự án cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế APEC do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế phối hợp với Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu, Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích giúp các nền kinh tế thành viên APEC xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng PPP khả thi về tài chính; khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, tìm kiếm, phát triển các giải pháp tài chính hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Các bộ trưởng tài chính kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu cũng như các tổ chức quốc tế khác tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC xây dựng bài học kinh nghiệm tốt, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Quang cảnh Họp báo quốc tế về kết quả tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Đối với vấn đề Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Tuyên bố chung nhận thức tác động quan trọng của các vấn đề xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đến các nền kinh tế thành viên APEC; sự cần thiết tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận, các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý thuế nhằm giải quyết những thách thức về BEPS trong khu vực; nâng cao tính chắc chắn, minh bạch. công bằng của hệ thống thuế. Các bộ trưởng tài chính hoan nghênh những nỗ lực của các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng chương trình hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS và các hành động BEPS có liên quan khác trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác thực hiện dự án BEPS trong khu vực APEC, được khởi xướng trong năm Chủ tịch của Việt Nam 2017.
Các bộ trưởng tài chính sẽ tiếp tục những nỗ lực này trong năm Chủ tịch của Papua New Guinea 2018; đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Ngân hàng thế giới; khuyến khích các tổ chức này tiếp tục các chương trình hỗ trợ cho các nền kinh tế APEC.
Về Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai, Tuyên bố chung chỉ rõ tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính về bảo hiểm rủi ro thiên tai trước những tác động ngày càng tăng của thiên tai và những nghĩa vụ dự phòng của các nền kinh tế trong khu vực. Các chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai hiệu quả, bao gồm cả giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công sẽ giảm thiểu, chuyển giao rủi ro, qua đó hỗ trợ tốt, kịp thời hơn cho công tác phục hồi và tái thiết khi xảy ra thiên tai trong bối cảnh các thách thức về thông tin, dữ liệu rủi ro ở nhiều nền kinh tế APEC.
Trong việc đánh giá các nghĩa vụ dự phòng tài chính liên quan đến thiên tai, các tác động đối với tài sản công, các bộ trưởng tài chính hoan nghênh các kết quả hợp tác về tài chính, bảo hiểm rủi ro thiên tai trong năm 2017. Đặc biệt là báo cáo về Phương pháp phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản công và cơ sở dữ liệu bảo hiểm; báo cáo Quản lý tài chính tài sản công ứng phó với thiên tai trong khu vực APEC do Ngân hàng thế giới phối hợp với các nền kinh tế APEC thực hiện. Đây là nguồn tham khảo tốt cho các nền kinh tế.
Ngoài ra, Báo cáo Nghĩa vụ nợ dự phòng ứng phó với thiên tai trong khuôn khổ tài chính công do Ngân hàng thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á thực hiện với sự tham gia tích cực của một số nền kinh tế thành viên cũng được coi là một tài liệu tham khảo tốt. Các bộ trưởng tài chính mong muốn sẽ tiếp tục thảo luận các khuyến nghị trong báo cáo này đồng thời khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục thảo luận đưa ra các khuyến nghị trong năm 2018.
Các bộ trưởng tài chính khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin rủi ro phù hợp với hoàn cảnh của từng nền kinh tế; nhận thức vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các công cụ chuyển đổi rủi ro trên thị trường; phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để tìm kiếm các giải pháp tiềm năng.
Các bộ trưởng tài chính hoan nghênh các hoạt động của Nhóm Công tác về Tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai của APEC, với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới trong vai trò điều phối chính, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế và các tổ chức quốc tế khác; mong đợi việc tiếp tục triển khai kế hoạch hoạt động cho năm 2018. Các bộ trưởng tài chính khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục tham gia vào Nhóm Công tác để tăng cường hợp tác khu vực, chia sẻ kiến thức về chương trình này.
Các bộ trưởng tài chính cũng hoan nghênh cổng thông tin kiến thức về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai của APEC do Ngân hàng thế giới xây dựng. Đây là tài liệu tham khảo, bài học kinh nghiệm tốt về các chính sách, thông lệ, giúp các nền kinh tế APEC xây dựng các chương trình hiệu quả về tài chính ứng phó với rủi ro thiên tai. Các bộ trưởng tài chính nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi kiến thức về tài chính ứng phó rủi ro thiên tai, đặc biệt là quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công.