Nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13-17/8/2018, Trưởng các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã chia sẻ những thông tin liên quan đến công tác bảo hộ công dân.
Triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó
Nhấn mạnh đến những kết quả nổi bật của công tác bảo hộ công dân kể từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết, về lượng, hơn 16.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài (tăng khoảng 57% so với giai đoạn 2014-2016), 608 tàu với 5.197 ngư dân đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo hộ; đưa về nước an toàn gần 2.000 ngư dân, số lượng lớn nhất từ trước đến nay, trong đó 1.162 ngư dân được đưa về nước trong 3 đợt bằng tàu công vụ; thực hiện bảo hộ cho 26 doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển quốc tế.
Bên cạnh đó, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan đã triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó khủng hoảng, thực hiện công tác tìm kiếm, hỗ trợ công dân Việt Nam tại nước ngoài trong các vụ động đất, thiên tai, hỏa hoạn hoặc khủng bố, tai nạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra một cách bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, công tác bảo hộ công dân cũng ghi nhận sự tăng cường, chủ động trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới người dân, doanh nghiệp để có thể tự bảo vệ lợi ích của bản thân, tránh rơi vào tình huống bất lợi khi ở nước ngoài cũng như kịp thời thông báo, liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam khi gặp khó khăn.
Kể từ sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 đến nay, đã có 151 bản tin bảo hộ công dân, bao gồm cả các nội dung về cảnh báo, khuyến cáo đi lại đã được cung cấp cho báo chí dưới dạng tin phát của Bộ Ngoại giao cũng như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự (www.lanhsuvietnam.gov.vn) và chuyên mục Tin bảo hộ công dân trên cổng thông tin của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, trang thông tin của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng cường cập nhật, đăng tải khuyến cáo đi lại cho công dân khi xảy ra tình huống khủng hoảng tại địa bàn như tại Maldives, chiến sự tại Syria, khủng bố tại Bỉ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được đẩy mạnh. Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, từ đầu năm 2018, mạng Viettel đã gửi hơn 450.000 tin nhắn thông báo số Tổng đài bảo hộ công dân +84.981848484 đến tất cả các máy di động chuyển vùng quốc tế của Viettel (roaming) khi ra nước ngoài, qua đó, giúp số lượng tiếp nhận, giải đáp và xử lý của Tổng đài đạt hơn 2400 cuộc gọi, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2017, với hiệu quả trả lời các cuộc gọi của nhân viên tổng đài đạt gần 99%. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục làm việc với Vinaphone và Mobiphone để triển khai biện pháp tương tự cũng như cung cấp hotline của Cơ quan đại diện nơi công dân đến.
Đảm bảo công dân được bảo hộ một cách tốt nhất
Chia sẻ về vai trò của Đại sứ quán trong việc giải quyết vấn đề bảo hộ công dân, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Ngô Đức Mạnh cho biết: Công tác bảo hộ công dân, công tác cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, địa bàn có đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga. Nhiều người trong số họ đã có thẻ định cư lâu dài, lấy vợ, lấy chồng là người Nga. Thế hệ thứ hai của người Việt tại đây được sinh ra và lớn lên, được học hành bài bản tại Nga và đang tham dự tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội ở nước sở tại.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh, phải khẳng định rằng, chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc tại Nga. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm kỷ luật, thậm chí pháp luật của nước sở tại. Đại sứ quán thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời có những biện pháp giúp cộng đồng người Việt giải quyết những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các thủ tục giấy tờ do Việt Nam cấp, giải quyết những vấn đề với chính quyền sở tại vì nhiều người Việt Nam không nắm vững tiếng Nga, cũng như luật pháp sở tại, qua đó, giúp họ ổn định cuộc sống, làm ăn trên đất bạn.
Một số trường hợp vì những lý do khác nhau, đã vi phạm luật cư trú của Nga, Đại sứ quán đã tạo điều kiện thuận lợi để hồi hương về nước trật tự. Chính phủ Nga cho phép những người sang Nga trước 31/5/2014 mà ở lại quá hạn thì được hưởng chế độ cấp visa TP1, được tạo điều kiện về nước không theo dạng trục xuất và như vậy họ có cơ hội quay lại nước Nga với điều kiện họ làm đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành của Nga. Hiểu rõ hoàn cảnh phần lớn bà con ta vì lý do kinh tế, gia đình nên ở lại quá hạn, do đó, Đại sứ quán sẽ cố gắng phối hợp với phía bạn xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho họ được quay lại Nga.
Với số lượng người Việt Nam tại Nhật Bản tăng lên nhanh chóng từ hơn 50.000 người năm 2012, nay đã xấp xỉ 300.000 người, tức là tăng đến 6 lần trong vòng 6 năm, khối lượng công việc liên quan đến bảo hộ công dân ta cũng tăng lên rất nhiều. Để làm tốt công tác bảo hộ công dân, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, Đại sứ quán đã chủ động phối hợp với 2 Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Osaka và Fukuoka thống nhất chủ trương và các biện pháp cùng triển khai đồng bộ.
Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ để củng cố tổ chức các hội đoàn người Việt ở Nhật như: Hội người Việt Nam, Hội doanh nhân, Hội thanh niên-sinh viên, Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản cũng như các chi hội người Việt tại các vùng, các địa phương khác nhau cùng chung tay hỗ trợ và phát triển cộng đồng. Đại sứ quán cũng lên kế hoạch lập cơ sở dữ liệu về cộng đồng người Việt Nam tại Nhật, lên danh sách các đầu mối người Việt tại tất cả các địa phương Nhật Bản để kịp thời thông báo cho cộng đồng những chủ trương, chính sách liên quan của Đảng và Nhà nước ta tới Cộng đồng, cũng như mỗi khi có chuyện xảy ra như thiên tai, động đất, có thể nắm bắt ngay được tình hình cộng đồng và có các phương hướng xử lý phù hợp.
Về cộng đồng người Việt tại địa bàn Nam Phi, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Vũ Văn Dũng chia sẻ, cộng đồng người Việt ở Nam Phi và các nước kiêm nhiệm không nhiều (khoảng 150 người) có tinh thần đoàn kết gắn bó với Đại sứ quán, luôn hướng về quê hương đất nước và ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và tôn trọng pháp luật của Nhà nước Việt Nam và nước sở tại. Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, sinh hoạt thể thao, văn hóa, văn nghệ, gặp gỡ trong cộng đồng nhằm tăng thêm sự đoàn kết gắn bó giữa Cơ quan đại diện với cộng đồng, thông tin đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng nắm bắt tuân thủ, hưởng ứng tham gia các sinh hoạt và các đợt vận động quyên góp, hướng về quê hương, đất nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi luôn ưu tiên xử lý các trường hợp công dân gặp khó khăn, tai nạn, cơ nhỡ. Trong năm qua, Đại sứ quán đã phối hợp với phía bạn và trong nước hỗ trợ đưa về nước kịp thời 4 thủy thủ Việt Nam đi tàu cá bị cháy, 1 thủy thủ muốn lên bờ về nước và nhiều trường hợp công dân và các thủy thủ ta bị mất giấy tờ hoặc bị lạc tàu; bảo hộ công dân với một số trường hợp bị tạm giữ tại Sân bay quốc tế OR Tmbo (Nam Phi) hoặc ở Eswatini.
Để làm tốt hơn nữa công tác Bảo hộ công dân trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Cục trưởng Cục Lãnh sự cho biết, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong bảo hộ công dân mạnh mẽ hơn, ví dụ như triển khai hệ thống đăng ký công dân điện tử, nâng cấp một số dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Cùng với đó, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu về khả năng xây dựng Trung tâm xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp một cách chuyên nghiệp, kịp thời, hiệu quả cũng như thông tin nhanh chóng về các biện pháp đã và đang thực hiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và sự quan tâm của dư luận đối với công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.