Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 “đặt nền móng cho sự tiến triển”
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần 2 được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam), trong hai ngày 27-28/2/2019. Đối với Việt Nam, đây là sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa hàng đầu trong năm 2019, thể hiện sinh động chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế...
Dù "không có thỏa thuận chung nào" nhưng đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội vừa qua, một số nhà phân tích đã nêu bật khả năng "đặt nền móng cho sự tiến triển trong tương lai" mà hội nghị đem lại, đồng thời thừa nhận rằng hội nghị thượng đỉnh này là cần thiết.
Chiều ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp báo kéo dài gần 1 tiếng tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội. Nhà lãnh đạo Mỹ đã thông báo những nội dung chính của Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó gồm nhiều vấn đề từ phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt tới tiềm năng phát triển kinh tế của Triều Tiên...
Tổng thống Trump cho biết ông và Chủ tịch Kim Jong-un đã chia sẻ nhiều vấn đề và đã "có một thời gian hữu ích", "khi rời hội nghị, bầu không khí rất tốt, rất thân thiện". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để ký thỏa thuận giữa hai bên".
Về phía Triều Tiên, tối 28/2, Triều Tiên đã bất ngờ tổ chức cuộc họp báo hiếm hoi về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 vừa kết thúc sớm hơn dự kiến vào chiều cùng ngày mà không ra được Tuyên bố chung. Tại cuộc họp báo, đại diện Triều Tiêu cho biết, chỉ yêu cầu gỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh cấm vận được Hội đồng bảo an LHQ thông qua trong năm 2016 và 2017. Bình Nhưỡng cho rằng các lệnh cấm vận này đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẵn sàng cam kết từ bỏ hoàn toàn các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa đồng thời với việc đóng cửa Trung tâm hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân lớn hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Triều Tiên, ông Ri Yong Ho cho rằng nguyên nhân hai bên không thể đạt được một thỏa thuận tại cuộc gặp gỡ lần này là do phía Mỹ yêu cầu Triều Tiên cam kết nhiều hơn nữa. Ông Ri Yong Ho khẳng định rằng quan điểm của Bình Nhưỡng là rất kiên quyết và sẽ không thay đổi dù cho phía Mỹ muốn tìm kiếm các cuộc đối thoại thêm. Tại cuộc họp báo diễn ra lúc 2 giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói phía Mỹ muốn Triều Tiên đóng cửa không chỉ trung tâm Yongbyon mà còn cả các cơ sở hạt nhân khác.
Đại diện Nhà Trắng cũng đưa ra thông tin: "Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có những cuộc họp mang tính xây dựng và tốt đẹp tại Hà Nội, Việt Nam, trong hai ngày 27 - 28/2. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nhiều phương án để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và các mô hình phát triển kinh tế...".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/3 cho biết Mỹ đang rất "nóng lòng trở lại bàn đàm phán" để tiếp tục đối thoại với Triều Tiên về những khúc mắc sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội.
Cũng trong ngày 1/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi Hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội là một tiến trình hướng tới một thỏa thuận "ở cấp độ cao hơn", mặc dù hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc gặp này.
Đối với nước chủ nhà Việt Nam, nơi tổ chức sự kiện, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên góp phần quảng bá tới bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố vì hòa bình, điểm đến thuận lợi cho thu hút đầu tư, thương mại, du lịch và trao đổi văn hóa.
Chỉ chưa tới 10 ngày, Hà Nội và các bộ ngành liên quan đã nỗ lực hoàn tất các mặt công tác chuẩn bị, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè thế giới.
Trên chuyên cơ trở về Mỹ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này.
Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan trên 6 tỉnh và Hà Nội
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm tại 6 tỉnh của Việt Nam. Tại Hà Nội cũng phát hiện có dịch. Hàng nghìn con lợn đã bị tiêu hủy.
Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của Trung ương, chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp của địa phương; lãnh đạo Bộ cũng đã nhiều lần đến địa phương để chỉ đạo thực hiện khẩn cấp tiêu hủy toàn bộ số lợn dương tính với bệnh dịch; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao.
Một loạt địa phương, trong đó có Hà Nội đã thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổng rà soát tình hình các đàn lợn trên địa bàn xã và các địa phương khác trên địa bàn; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch và có kết quả âm tính; chỉ đạo công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Tạm dừng phiên tòa xử vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên
Theo chủ tọa phiên tòa, cần phải có thêm thời gian xác minh, thu thập chứng cứ về số tiền 2.019 tỷ đồng do bà Lê Hoàng Diệp Thảo đứng tên trên tài khoản tại 3 ngân hàng.
Chiều 1/3, theo dự kiến TAND TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án vụ kiện “Tranh chấp và ly hôn” giữa nguyên đơn bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) với bị đơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Tuy nhiên, phiên tòa đã phải dừng lại.
Hội đồng xét xử bất ngờ quay lại phần hỏi để làm rõ khoản tiền 2.109 tỷ đồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng mà trước đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng chưa đủ căn cứ xem xét.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa do nhận thấy 2 bên đương sự chưa cung cấp đầy đủ những hồ sơ, chứng cứ về phần tài sản 2.109 tỷ đồng trong ngân hàng được cho là thuộc quyền sở hữu chung của 2 vợ chồng, yêu cầu các đương sự cung cấp chứng cứ về khoản tiền này. Phiên tòa sẽ mở lại vào 8h ngày 27/3.