Các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam đồng thời là các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia trên 3 lĩnh vực: hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng; hội nhập kinh tế và hội nhập về văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ đã chủ trì hội nghị.
Quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế gồm Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Để đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên các lĩnh vực, hội nhập quốc tế thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu phục vụ phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về hội nhập quốc tế đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg, yêu cầu các Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế nâng cao chất lượng tham mưu chính sách, vận hành thông suốt, nhịp nhàng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành; giữa các bộ phận giúp việc của Ban chỉ đạo quốc gia và các Ban chỉ đạo liên ngành, giữa các Ban chỉ đạo với các cơ quan đầu mối hội nhập quốc tế ở địa phương.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xác định hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ ưu tiên; tập trung cao độ các nguồn lực để sớm hoàn tất, ký kết và chuẩn bị triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán theo đúng yêu cầu đặt ra; đẩy mạnh nâng cao vai trò đối ngoại đa phương; hỗ trợ hiệu quả các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chú trọng đối thoại, tiếp nhận và xử lý ý kiến, đề xuất của các đối tượng chịu tác động từ các cam kết hội nhập quốc tế để đảm bảo hội nhập mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân. Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong 2-3 năm tới.
Báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về chính trị, an ninh, quốc phòng cho thấy trong hai năm qua, cùng với tiến trình hội nhập toàn diện trên các trụ cột, hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng đã có bước chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu, nước ta đã cơ bản hoàn thành việc xác lập khuôn khổ quan hệ với các đối tác quan trọng, tạo cơ sở đan xen lợi ích, thúc đẩy những nội hàm hợp tác cụ thể, thực chất cả về phát triển và an ninh. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã xử lý hài hòa, cân bằng các mối quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và bảo đảm những lợi ích chiến lược của đất nước; đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo phương châm “chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung”. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những thành viên quan trọng và tích cực trong việc thúc đẩy hình thành một Cộng đồng ASEAN đoàn kết và giữ vai trò trung tâm tại khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, cơ quan đầu mối giúp việc cho Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết, cụ thể hóa thành chương trình hành động nhằm tạo ra sự chuyển biến toàn diện trên tất cả các mặt gồm: hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường; hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn; bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng...
Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Các Bộ, ngành cũng tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường. Với các nỗ lực trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tính đến hết tháng 6/2015, đã có tổng cộng 57 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Những hoạt động nổi bật của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo cũng đã được điểm lại tại Hội nghị với việc tuyên truyền về chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” đến các đối tác và cộng đồng quốc tế; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020; tăng cường giới thiệu, quảng bá thông tin và hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam tới các nước trên thế giới.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế đòi hỏi tất yếu của Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán các hiệp định trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra cho nền kinh tế cũng như cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ ra các tồn tại như doanh nghiệp chưa chủ động hội nhập, không nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan đến hội nhập, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có phương án, có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các cơ hội từ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh đàm phán và đi đến ký kết các hiệp định mới, nhất là các hiệp định thương mại tự do với các nước, các đối tác. Điều rất quan trọng là trên cơ sở các hiệp định đã ký, cần có thông tin tương đối đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân chủ động xây dựng phương án chuẩn bị bước vào hội nhập và hội nhập sâu hơn. Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, thay đổi phương thức quản trị, cải tiến máy móc mới hội nhập thành công.
Từ góc độ Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hội nhập quốc tế không còn xa, năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành, đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm. Chủ động hội nhập mới dừng lại ở các Bộ và một số địa phương. Trong hội nhập, vai trò của các bộ và chính quyền các cấp rất quan trọng, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội, hội nghề nghiệp. Hội nhập là phải "chơi" theo cách "chơi" của thế giới, về nguyên tắc chính quyền làm ít nhất có thể, các việc chủ yếu để cho hiệp hội làm, do đó phải tăng cường vai trò, năng lực của các hiệp hội. Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương có chương trình tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ đối ngoại, tổng kết các mô hình hay, mô hình tốt tại các địa phương có biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc để đưa ra trong ASEAN và trong các diễn đàn quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Phát biểu kết luận chung Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về chính trị, an ninh, quốc phòng nhấn mạnh, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị đã Chính phủ đã quán triệt sâu sắc, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả bằng chương trình, hành động cụ thể. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, góp phần quan trọng và sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; quảng bá hình ảnh và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém còn tồn tại, trong đó nổi lên là sự nhận thức về hội nhập ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ, hiểu biết về hội nhập trong doanh nghiệp, nhân dân còn hạn chế, chỉ khoảng 70% doanh nghiệp biết về cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập còn thiếu và yếu, nhất là ở các địa phương.
Chỉ đạo các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, bám sát, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ hết sức cụ thể mà Chỉ thị 15 đã nêu rõ. Đồng thời, tiếp tục chủ động trong tăng cường công tác thông tin, tập huấn về hội nhập; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trên các lĩnh vực hội nhập từ chính trị, quốc phòng, an ninh cho tới kinh tế, văn hóa, xã hội…; đồng thời chú trọng nâng cao năng lực, trình độ của bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.