Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử: Hướng dẫn về bầu cử ở vùng có dịch COVID-19

Ngày 25/2, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Bộ Nội vụ tổ chức, nhiều điểm mới trong công tác bầu cử đã được đại diện các bộ, ngành thông tin, đặc biệt là tổ chức hội nghị hiệp thương trong vùng có dịch COVID-19, thực hiện quyền bầu cử của cử tri ở các khu vực cách ly…

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nội vụ, đại diện một số bộ, ngành, cơ quan và hơn 27.500 đại biểu tham dự trực tuyến tại các điểm cầu.

Tổ chức cho cử tri trong khu vực cách ly thực hiện quyền bầu cử

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn điều hành hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử, mẫu hồ sơ ứng cử, nội quy phòng bỏ phiếu và các mẫu văn bản sử dụng trong bầu cử, quy trình hiệp thương và tổ chức hội nghị cử tri, giới thiệu người ứng cử, công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026… Nhiều vấn đề, tình huống được các địa phương đặt ra đã được lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan giải đáp thấu đáo.

Nêu thực tế địa phương đang là tâm dịch COVID-19 của cả nước, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, cho biết, Hải Dương có 2 huyện bị phong tỏa và toàn tỉnh thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Một số xã, thôn phải thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt. Vì vậy, việc tổ chức các hội nghị cử tri cũng đang gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị cần có văn bản hướng dẫn sớm để các đơn vị vùng dịch và đặc biệt như Hải Dương có căn cứ để thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích cũng cho biết, từ ngày 24/2, Hải Dương đã bắt đầu xét nghiệm trên diện rộng, ở những nơi có nguy cơ cao và những nơi cần phải xét nghiệm sàng lọc sớm để khoanh vùng. Do vậy, Hải Dương đề nghị cần có văn bản hướng dẫn sớm để tỉnh chỉ đạo. Tỉnh cũng mong muốn sớm có quyển hướng dẫn hỏi đáp như kỳ bầu cử trước.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng băn khoăn về việc tổ chức cuộc bầu cử trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Lãnh đạo địa phương này đề nghị Bộ Nội vụ tập hợp thêm một số tình huống đặc biệt có thể phát sinh trong thực tiễn, trên cơ sở đó, thống nhất trong triển khai thực hiện đối với các tỉnh, thành phố có dịch.

Một số tình huống cụ thể được Quảng Ninh nêu ra là sát ngày tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri thì ứng viên mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với F0, phải thực hiện cách ly tập trung; hay các thôn, bản, thậm chí xã, phường bị phong tỏa, cách ly.

Ông Phan Văn Vượng, Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, Mặt trận đã có văn bản số 49 hướng dẫn thực hiện các hội nghị hiệp thương. Người được giới thiệu ứng cử đến giai đoạn niêm yết mà rơi vào trường hợp F0, F1 thì cũng không thành vấn đề, tình huống này chỉ liên quan phần vận động bầu cử. Vận động bầu cử có nhiều hình thức, nếu không vận động trực tiếp thì có thể gửi tài liệu qua các kênh thông tin đại chúng để vận động. Đối với việc tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, ban hành trong nay mai.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Vượng cho rằng trong bối cảnh có dịch, có thể có các tình huống phát sinh. Thứ nhất là việc xác định lập danh sách cử tri đối với người ở nước ngoài về và phải cách ly, những người ở vùng có dịch phải cách ly tập trung. Như vậy, liệu có thể vận dụng quy định về lập danh sách cử tri ở cơ sở cách ly như trong các cơ sở chữa bệnh theo Điều 29, 30 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được không.

Theo ông Phan Văn Vượng, luật quy định người ở nước ngoài về trước 24 tiếng thì cầm hộ chiếu đến UBND xã, nơi lập danh sách cử tr, để trình báo và ghi tên vào danh sách cử tri. Tuy nhiên, vướng mắc ở chỗ, người cách ly rồi không thể đến  UBND xã được. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng là các đơn vị phải đến nơi cách ly để công dân thực hiện quyền của mình.

Ông Vượng cũng lưu ý, tổ bầu cử cần tổ chức cho cử tri đang nằm trong khu vực cách ly thực hiện quyền bầu cử, phải mang hòm phiếu lưu động (hòm phiếu phụ) đến và phải áp dụng biện pháp phòng dịch, phun khử trùng hòm phiếu… Những việc này đều phải có hướng dẫn để các địa phương thực hiện thống nhất.

Bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phó Trưởng ban Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho biết, đến ngày 17/2, cả trung ương và 63 địa phương trên cả nước đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội (để bầu 500 người), đạt tỷ lệ 2,15 lần. Tỷ lệ này ở nhiệm kỳ trước là 2,2 lần. Một số tỉnh lựa chọn số giới thiệu còn thấp hơn quy định là 12 người. Cụ thể, Tây Ninh, Trà Vinh, Điện Biên, Bình Phước giới thiệu 11 người; Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình giới thiệu 10 người; Hà Giang giới thiệu 9 người. Có 18 tỉnh đề nghị xem xét tăng số lượng đại biểu địa phương và giảm số lượng Trung ương gửi về; 5 tỉnh dự kiến có hồ sơ tự ứng cử.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ nay đến ngày bầu cử (23/5) còn gần 3 tháng, việc triển khai công tác bầu cử trong thời gian tới cần khẩn trương, với khối lượng công việc rất lớn, diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp. Để bảo đảm việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đạt kết quả tốt nhất, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các cơ quan Trung ương khẩn trương có văn bản trả lời, giải đáp những vướng mắc theo đề xuất của địa phương; hướng dẫn chi tiết những công việc phải thực hiện trong thời gian trước, trong và sau ngày bầu cử.

Các địa phương cần tiếp tục gửi về Bộ Nội vụ và các cơ quan Trung ương những vướng mắc trong quá trình chuẩn bị bầu cử; căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử đến cấp huyện và cấp xã, nhất là cho các thành viên tổ bầu cử; tổ chức các hội nghị quán triệt và phổ biến các văn bản chỉ đạo thực hiện; in ấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đến các tổ chức phụ trách bầu cử.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến cấp xã, các tổ chức phụ trách bầu cử tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt, đúng các mốc thời gian, theo kế hoạch, lịch trình bầu cử theo luật định.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức phụ trách bầu cử kịp thời báo cáo, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và các cơ quan Trung ương có liên quan để xem xét, giải quyết. Ông cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực, cố gắng trong thời gian tới để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm; vừa triển khai tổ chức thực hiện bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, vừa phải triển khai thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Bổ sung kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp
Bổ sung kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung đợt 1 số tiền 733,322 tỷ đồng từ nguồn chi quản lý hành chính của ngân sách Trung ương năm 2021 cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN