Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới; quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng và một số vấn đề quan trọng khác.
Là một trong những nội dung mới, quan trọng được bàn thảo tại Hội nghị, Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung thảo luận hết sức sâu sắc, đóng góp hơn 140 ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm nội dung Quy định vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi và sức lan tỏa trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc ban hành Quy định nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nền nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, qua đó góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Qua theo dõi diễn biến Hội nghị, cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự đồng tình nhất cao với việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Quy định được xây dựng trên cơ sở sơ kết Quy định 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 và Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016, bảo đảm sự đồng bộ với các nghị quyết, quy định của Đảng có liên quan, theo nguyên lý: “có xây có chống, xây trước, chống sau”, trong đó nêu rõ 9 nội dung phải gương mẫu đi đầu thực hiện, 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Thể hiện sự đồng tình cao với việc Trung ương quyết định ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: “việc thực hiện nghiêm ở trên sẽ tạo sức lan tỏa, thuyết phục xuống dưới, trên nghiêm nhất định dưới nghiêm, trên gương mẫu nhất định dưới theo, trên làm tốt nhất định nhân dân tin tưởng. Nhân dân tin các đồng chí lãnh đạo, tức là tin Đảng, tin vào sự lãnh đạo của Đảng”.
Nhất trí về sự cần thiết ban hành Quy định này, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, cần xây dựng tiêu chí phù hợp với từng chức danh, vị trí cụ thể. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Đảng chính là xây dựng hình ảnh, uy tín của Đảng, vì vậy cần đề ra các nội dung, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể đối với từng cán bộ lãnh đạo, đảng viên để thực hiện, tránh các quy định chung chung. Những quy định đó cũng cần công bố công khai để nhân dân theo dõi, tránh đưa thông tin không đầy đủ để các thế lực thù địch lợi dụng, suy diễn, gây ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện…
Dẫn lời dạy của Bác Hồ: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09-NQ/TW), trên cơ sở đánh giá những thành tựu đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, dự báo tình hình, xác định mục tiêu, quan điểm phát triển trong giai đoạn tiếp theo, Chấp hành Trung ương đã nhất trí cần ban hành một nghị quyết mới - Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển.
Theo đó, Trung ương xác định, đến năm 2030 phấn đấu đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo; tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hòa với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với quy luật tự nhiên. Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam...
Để những quan điểm, mục tiêu đó trở thành hiện thực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư sát hợp với thực tế. Trong đó, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên; tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ, làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới, đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
Diễn ra vào giữa nhiệm kỳ khóa XII, Hội nghị Trung ương 8 có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, định hướng phát triển năm 2019 và những năm còn lại của nhiệm kỳ này. Trung ương nhận định, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; dự báo đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định... Những kết quả đạt được trong năm 2018 góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.
Tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, đề ra các quyết sách phù hợp với tình hình đất nước hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vấn đề cốt tử là tập trung ưu tiên đầu tư một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, làm chủ kỹ thuật, làm chủ công nghệ lõi để bứt phá đi lên; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn hiện đại, tạo điều kiện để nông dân làm giàu, nâng cao mức sống. Cùng với phát triển kinh tế cần chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội... bảo đảm phát triển bền vững.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân cho rằng, việc này tiến hành vào thời điểm hiện nay là cần thiết, lòng dân ủng hộ. Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thuận lợi hơn trong tổ chức công việc. Đây cũng là việc đã diễn ra trong lịch sử, khi Bác Hồ là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định thành lập 5 tiểu ban: Văn kiện, Kinh tế - Xã hội, Điều lệ Đảng, Nhân sự, Tổ chức phục vụ Đại hội, khởi đầu quá trình chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội XIII của Đảng.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được cả về kinh tế - xã hội, phát triển bền vững kinh tế biển và công tác xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã thành công tốt đẹp, tiếp tục những bước tiến vững chắc, nhằm đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và đồng bộ hơn, tạo xung lực mới cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh.