Các nhà báo, nhà quản lý báo chí, truyền thông, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ… đã tham luận, đem đến nhiều thông tin, đánh giá, đưa ra các góc nhìn đa chiều về ChatGPT và ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến ứng dụng ChatGPT vào công việc làm báo như: tăng tương tác với độc giả qua ứng dụng ChatGPT; các vấn đề liên quan đến độ tin cậy dữ liệu do ChatGPT cung cấp; vấn đề cạnh tranh giữa các tòa soạn báo, nhà báo trong bối cảnh xuất hiện ChatGPT; vấn đề bản quyền và an ninh truyền thông…
Nhiều ý kiến cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một xu hướng tích cực, ChatGPT như một công cụ hữu ích phục vụ hoạt động tác nghiệp như tóm tắt nội dung văn bản, Bigdata; gợi ý chủ đề bài viết; gợi ý kịch bản, chủ đề cho các nội dung phỏng vấn…
Ông Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Cần Thơ nhận định, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, chỉ ra những thực trạng của vấn đề về ChatGPT đối với nghề báo, nhà báo, cùng những cơ hội và thách thức mà ChatGPT mang lại. Bên cạnh đó, công cụ ChatGPT cũng tiềm ẩn nguy cơ về thông tin sai lệch; việc sử dụng nội dung được tạo ra bởi ChatGPT và các ứng dụng AI có nguy cơ xâm phạm các quyền về sở hữu trí tuệ…
Qua đó, người làm báo chí, truyền thông khi sử dụng ChatGPT phải học cách làm chủ và linh hoạt trong ứng dụng, đảm bảo các yếu tố chuyên môn. ChatGPT có thể trở thành công cụ hữu ích, phục vụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, giúp giảm tải áp lực công việc, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn lao động báo chí cũng như sự sáng tạo của từng cá nhân người làm báo.