Hội thảo tập trung trao đổi một số nội dung chính như: Tên gọi của Luật; quy định hạn chế quảng cáo đối với bia, rượu dưới 15 độ cồn; quy định không được bán rượu, bia trên mạng internet... Hội thảo cũng sẽ nghe các diễn giả là các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật, kinh tế, xã hội, sức khỏe, văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán trình bày các nội dung liên quan đến Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định, mặc dù Dự luật được tiến hành công phu nhưng nhìn chung thì chưa toàn diện, chủ yếu vẫn dựa vào góc độ y tế. Ngay từ tên gọi dự Luật là “phòng, chống tác hại của rượu bia” đã là không đúng, bởi nếu rượu bia là sản phẩm gây tác hại thì chúng ta phải loại trừ. Theo đại biểu Dương Trung Quốc nên dùng từ “kiểm soát”. Kiểm soát thể hiện ý chí con người của mỗi người, nếu muốn bảo vệ sức khỏe thì dùng tới mức nào.
Cùng chung ý kiến, ông Đỗ Văn Vẻ, ĐBQH Khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nhấn mạnh thêm, nhiều quy định trong dự thảo luật lại tập trung vào hạn chế thương mại thay vì bảo vệ sức khỏe hay kiểm soát hành vi của người sử dụng rượu bia. Ông đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét và đánh giá khách quan những điểm tốt của rượu, bia thay vì “khai tử” rượu, bia.
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) băn khoăn, việc cấm người dưới 18 tuổi không được mua rượu, bia; cấm người ép người dưới 18 tuổi không được uống rượu bia là khó khả thi. Ở đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa hiện tượng xảy ra rất nhiều, liệu có cấm đươc không? Hoặc trong hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thủ công, theo Dự thảo quy định cấm sản xuất thủ công nhưng nếu đăng ký sản xuất kinh doanh thì được. Thực tế hiện nay có nhiều cá nhân, hộ gia đình sản xuất chỉ dùng cho bản thân và gia đình, tôi cho rằng miễn người sản xuất bảo đảm yêu cầu an toàn là được. Còn việc đề nghị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký xét nghiệm để sản xuất rượu mà tốn cả chục triệu dẫn đến hộ sản xuất thủ công trốn không đăng ký, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, liệu có xử lý được không?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, quá trình thẩm tra, vấn đề Ủy ban Về các vấn đề xã hội lo lắng nhất là Luật ban hành nhưng thực thi đạt yêu cầu hay không. Tính khả thi không có thì sẽ thành hiệu triệu suông, vì vậy cần cân nhắc rất kỹ các điều khoản, thậm chí chúng tôi đề nghị các hành vi cấm phải thu về hết điều 5. Đặc biệt, về quản lý rượu thủ công phải tính toán lại chặt chẽ. Về chính sách phải thể hiện rõ ràng nhất quán quan điểm của Nhà nước phòng là chính, nhưng giải pháp về phòng vẫn lu mờ chưa đạt được như mong muốn.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng, internet chỉ là một công cụ để thực hiện hành vi kinh doanh, nếu sản phẩm không bị cấm thì không có lý do gì không được dùng công cụ này để kinh doanh hợp pháp. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo luật loại bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet trong Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.