Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912 - 11/6/2012), ngày 4/6, tại Vĩnh Long, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”.
Trên 200 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, của địa phương; các nhà khoa học trong nước và gia đình đồng chí Phạm Hùng đã về dự. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 70 báo cáo khoa học. Trong thời gian làm việc tại hội trường, hội thảo đã nghe đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu khai mạc và ý kiến chỉ đạo; nghe báo cáo đề dẫn của đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; báo cáo của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và 8 tham luận của các tác giả trong nước phân tích làm nổi bật bản chất cách mạng và tôn vinh đồng chí Phạm Hùng - người cộng sản kiên cường, bất khuất; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước; tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng; người con kiên trung của quê hương Vĩnh Long.
Từ nhiều góc độ khác nhau, bằng những lý giải khoa học, các tham luận đã tập trung làm rõ các nhân tố tác động đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Phạm Hùng: Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản; quá trình phấn đấu hy sinh của một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu; từ những hoạt động cách mạng đầu tiên đến khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một quá trình đấu tranh kiên cường, phấn đấu liên tục vì nước, vì dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa của đồng chí Phạm Hùng gắn liền với những kỳ tích của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX. Các báo cáo khoa học đã nêu bật bản lĩnh lãnh đạo của đồng chí Phạm Hùng qua các giai đoạn của cách mạng và các lĩnh vực lãnh đạo trong hoạt động cách mạng của đồng chí như: “Đồng chí Phạm Hùng với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân”; “Đồng chí Phạm Hùng với Đại thắng mùa xuân năm 1975”; “Đồng chí Phạm Hùng với những khúc quanh lịch sử”; "Đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong ký ức của nhân dân Sài Gòn - Gia Định”; “Học tập và làm theo lời dạy của đồng chí Phạm Hùng”; “Bảo vệ Chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc - Di huấn chính trị của đồng chí Phạm Hùng”... Đặc biệt là những câu chuyện kể về đồng chí Phạm Hùng của đồng chí Phan Diễn, nguyên là Thư ký của đồng chí Phạm Hùng, nguyên Thường trực Ban Bí thư đã giúp hội thảo tăng thêm sự cảm phục và hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Phạm Hùng với đất nước, với nhân dân, với quê hương.
Phạm Thị Bình