Hội thảo là dịp thể hiện sự tri ân đối với những cống hiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học và trí thức các tỉnh trong khu vực gặp gỡ, chia sẻ về những giải pháp tiếp nối thực hiện những quan điểm, tầm nhìn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn với thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung gắn với sự chỉ đạo, cống hiến của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt trong quá trình phát triển của các ngành và kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; cập nhật các thông tin mới, mang tính thời sự về xu hướng liên kết phát triển trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng về khoa học công nghệ nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành trong khu vực.
Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, được giao nhiều trọng trách, từ cán bộ cơ sở, lãnh đạo cấp xã cho đến khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, dù ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, giữ bất cứ cương vị gì, đồng chí Võ Văn Kiệt đều làm hết sức mình và để lại thành tựu, dấu ấn khó phai trong lòng người thân và đồng chí, đồng bào.
Đặc biệt, trong những năm tháng trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách quyết liệt, táo bạo, thực hiện bằng được những chủ trương lớn của Đảng. Trong đó, đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đồng chí đã để lại nhiều dấu ấn với những chương trình điều tra cơ bản để đưa khoa học kỹ thuật vào công tác trị thủy, xả phèn, xả lũ ra biển Tây; Chương trình tiến quân vào khai thác vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Chương trình cải tạo Đồng bằng sông Cửu Long để nhân dân “sống chung với lũ”. Với giới trí thức, đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ quan tâm đến công việc mà còn chú ý đến cuộc sống đời thường, điều kiện, hoàn cảnh sống cũng như tâm tư, nguyện vọng mong muốn được đóng góp của trí thức đối với quê hương, đất nước.
Thạc sỹ Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, các công trình thoát lũ ra Biển Tây luôn gắn liền với tên tuổi của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Ông là người khởi xướng và dành nhiều thời gian đi khảo sát thực địa, chủ trì nhiều cuộc tranh luận, hội thảo khoa học và đã đi đến quyết định mang tính đột phá, táo bạo là đào các hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây để xổ phèn, lấy nước ngọt và đẩy mạnh khai thác vùng Tứ giác Long Xuyên. Đây được xem là một quyết sách sáng suốt, đầy trách nhiệm, qua đó làm thay đổi toàn bộ cục diện khai thác vùng đất phèn của Tứ giác Long Xuyên. Chỉ một thời gian ngắn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, các công trình thoát lũ đã phát huy hiệu quả về kinh tế-xã hội. Sau nhiều thời kỳ khó khăn, nước ngọt đã được dẫn về, lúa hai vụ, hoa màu, cây trái đã từng bước lấn dần cỏ dại, đồng hoang. Cũng nhờ có các con kênh, đường xá được mở mang, thị tứ, thị xã, bệnh viện, trường học được xây dựng, đời sống nhân dân trong vùng được khởi sắc.
Những thành tựu về khai thác, phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên trong hơn 40 năm qua là kết quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng bộ và nhân dân trong vùng; trong đó, ở giai đoạn đầu, công lao của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là vô cùng to lớn. Những thành tựu đó đã và đang tạo tiền đề cho vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục vươn lên, hòa cùng các vùng khác trong Đồng bằng sông Cửu Long chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Bách Khoa, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức tỉnh Vĩnh Long, từ nhiều thập kỷ qua, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có tầm nhìn và định hướng chỉ đạo để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tư duy, tầm nhìn, sự chỉ đạo và cống hiến của Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Đồng thời, tư tưởng này là sự chỉ dẫn quan trọng, là động lực khơi dậy sự sáng tạo, nỗ lực của các địa phương trong quá trình phát triển hiện tại và trong tương lai.