Hội thảo khoa học về Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Sáng 29/11, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp Viện Lịch sử Quân sự tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người Cộng sản kiên trung, nhà chỉ huy quân sự tài năng, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”.

Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). 

Chú thích ảnh
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nhấn mạnh, Thiếu tướng Hoàng Sâm là chiến sỹ cộng sản kiên trung, một trong những học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy và quý trọng. Cả cuộc đời đi theo cách mạng, từ khi làm giao liên đến khi trở thành một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng chí đã được Đảng, Bác Hồ tin tưởng, giao cho nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở cương vị công tác nào, chiến trường nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Các đại biểu đã trình bày tham luận, ý kiến khẳng định, làm sáng tỏ phẩm chất ưu tú của Thiếu tướng Hoàng Sâm, người chiến sĩ cộng sản kiên trung; Đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, một tài năng quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, đã hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng. Đồng thời, thảo luận, làm rõ những đóng góp to lớn của Thiếu tướng Hoàng Sâm, nhất là đối với sự ra đời, trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; tinh thần đoàn kết quốc tế thủy chung son sắt, cùng liên minh chiến đấu trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang cho biết, hơn 40 năm hoạt động cách mạng ở nhiều vùng, địa phương, chiến đấu trên nhiều chiến trường trọng điểm trong nước và nước bạn, đồng chí Hoàng Sâm đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Những đóng góp quan trọng và to lớn của đồng chí đã góp phần làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam và quê hương Quảng Bình. Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, trong đó có tấm gương Thiếu tướng, Liệt sĩ Hoàng Sâm - người con ưu tú của quê hương.

Tấm gương của đồng chí góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, khơi dậy và phát huy khí phách “Quảng Bình quật khởi”, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Thiếu tướng Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Năm 1933, đồng chí được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, sau đó, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong vai trò là Đội phó rồi Đội trưởng Đội du kích Pác Bó, đồng chí Hoàng Sâm đã chỉ huy đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn khu căn cứ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc; đồng thời tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tiễu phỉ, trừ gian ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng; vận động quần chúng, huấn luyện tự vệ chiến đấu.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm lễ thành lập (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), đồng chí Hoàng Sâm được tín nhiệm bầu làm Đội trưởng đầu tiên của Đội, trực tiếp chỉ huy đánh thắng các trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, mở đầu cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam. ­­

Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1950), đồng chí được giao giữ chức vụ Khu trưởng Khu 2, Chỉ huy Mặt trận Tây tiến, Tư lệnh Liên khu 3. Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho Hoàng Sâm khi ông mới 33 tuổi. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, chỉ huy tiếp quản Hải Phòng. Từ năm 1955-19, Thiếu tướng Hoàng Sâm làm Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn và Tư lệnh Quân khu 3. Giữa năm 19, ông được lệnh vào làm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên và hy sinh vào cuối năm đó.

Ghi nhận những cống hiến của Thiếu tướng Hoàng Sâm, Đảng và Nhà nước đã phong tặng, truy tặng nhiều huân chương cao quý cho ông, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Mạnh Thành – Tá Chuyên (TTXVN)
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học 'Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển'
Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học 'Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển'

Sáng 24/10, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học “Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024)”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN