Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tập trung vào các nhóm vấn đề: Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông, về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội. Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ kéo dài đến hết chiều nay.
Cuối giờ chiều qua (16/11), các đại biểu Quốc hội đã đặt hàng loạt câu hỏi cho Thống đốc Lê Minh Hưng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về chính sách cho vay ngoại tệ ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh xuất khẩu. "Liệu có tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ nữa không? Nếu gia hạn nữa, Ngân hàng Nhà nước có chính sách gì với doanh nghiệp vay ngoại tệ? Định hướng vay lãi suất ra sao", đại biểu hỏi.
Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội) quan tâm tới việc xếp hạng tín nhiệm công khai các ngân hàng. "Ngân hàng Nhà nước có công khai xếp hạng tín nhiệm ngân hàng để người dân không bị sốc khi có ngân hàng bỗng nhiên bị xếp vào loại bị kiểm soát đặc biệt?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Phạm Tất Thắng chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập chương trình tín dụng sinh viên thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội. "Liệu có nâng cao hạn mức cho vay cho đối tượng này không?", ông Thắng đặt câu hỏi.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ vừa rồi đã thành công, nhưng neo giữ tỷ giá quá lâu ảnh hưởng tới tăng trưởng, hàng hoá xuất khẩu.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) lo lắng về số liệu tỷ lệ nợ xấu. Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) muốn biết giải pháp ngành ngân hàng hỗ trợ khắc phục thiên tai, bão lũ ở các địa phương.