Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Theo
đó, sáng nay 30/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban
Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định sẽ trình bày Báo cáo của Đoàn
giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải
cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Sau
đó, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận ở hội trường về nội dung
này. Đây có lẽ là một trong những nội dung mà cử tri sẽ dành sự quan tâm
đặc biệt tại kỳ họp này.
Cải cách bộ máy hành chính nhà nước là mối quan tâm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Tại hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) mới đây cũng đã thông qua Nghị quyết một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đây là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 13 hồi tháng 8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”.
Báo cáo giám sát của Quốc hội tại phiên họp đã chỉ ra đối tượng tinh giản được thống kê lại mới tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 90%), mà chưa tinh giản được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém.
Phát biểu tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một con số đáng suy ngẫm: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, mới chỉ giảm được 1,1% biên chế hành chính và sự nghiệp công. Điều này đặt ra, từ nay tới năm 2021 phải giảm tới 8,9% biên chế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn cho rằng, nói đến giảm biên chế ai cũng đồng tình “nhưng khi nhắc đến cơ quan, tổ chức, địa phương của mình thì không ai đồng ý giảm, toàn xin thêm”.