Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Địa đạo Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Việt Nam - một thành viên tích cựcKể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của UNESCO về ý tưởng, nhận thức và kinh nghiệm cũng như những đóng góp về tài chính và kỹ thuật ban đầu cho một số dự án của Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO phát triển tốt đẹp và hiệu quả trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin, truyền thông và văn hóa.
Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động có đóng góp và đảm nhận tốt vai trò thành viên tại Hội đồng chấp hành và Ủy ban Di sản, hai cơ quan quan trọng của UNESCO. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển mới cả về lượng và chất, ngày càng đạt hiệu quả cao.
Để hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động như phê chuẩn một số Công ước quan trọng, như: Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - Công ước 2003, Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa - Công ước 2005…; chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa, Hội nghị Tư vấn các Uỷ ban Quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương...).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến của mình trong các lĩnh vực chuyên môn như: Xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình khu dự trữ sinh quyển... Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao. Một số đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam tìm hiểu và học hỏi.
Một số thành tựu của Việt Nam khi tham gia UNESCOTrải qua thời gian hơn 40 năm, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước. Hợp tác với UNESCO đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 1976, sau khi đất nước hoàn thành thống nhất, Việt Nam bước vào một trong những giai đoạn khó khăn về nhiều mặt, nhưng thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp. Vị thế của Việt Nam không ngừng tăng lên trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO và tới nhiều diễn đàn đa phương khác.
Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, cơ quan hoạch định chính sách và tài chính (nhiệm kỳ 1978-1983), đặt cơ quan đại diện tại UNESCO (1982).
Trong quá trình đất nước đổi mới, quan hệ Việt Nam-UNESCO không ngừng phát triển và bền chặt. Và thông qua nhiều hoạt động hợp tác với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nâng cao sự hiểu biết về truyền thống dân tộc, lịch sử hào hùng, hình ảnh đất nước với nhiều giá trị nhân văn, ủng hộ tích cực cho các tư tưởng hòa bình đối với cộng đồng quốc tế và đập tan những luận điệu chống phá của các lực lượng thù địch.
Cũng thông qua quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững. Không phải là tổ chức cung cấp tài chính nhưng những ý tưởng, kinh nghiệm của UNESCO góp phần thay đổi nhận thức, tư duy để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất. Một trong những trường hợp điển hình là sự thay đổi trong nhận thức và lý luận cũng như chủ trương, chính sách về văn hóa của Việt Nam sau khi tham gia hưởng ứng “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa”.
Đó là nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, từ đó chấn hưng nền văn hoá dân tộc và tăng cường giao lưu với các quốc gia khác. Nhận thức trên cũng đã trở thành tài liệu tham khảo cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Thập niên đầu thế kỷ XXI đánh dấu nhiều bước tiến mới trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với nhiều đối tác và cũng tích cực đảm nhận vị trí quan trọng tại một số tổ chức quốc tế. Quan hệ hợp tác với UNESCO trong giai đoạn này cũng góp phần tạo tính bền vững trong bước đi của Việt Nam.
Việt Nam được tin tưởng bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2001-2005 với điểm nổi bật là đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch (2001-2003) và tiếp tục trúng cử vào nhiệm kỳ 2009-2013. Đối với UNESCO, Việt Nam được đánh giá là đối tác tích cực và năng động. Qua các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng Giám đốc UNESCO, hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược lâu dài cho sự phát triển mối quan hệ hai bên.
Bước vào giai đoạn mới, sau Đại hội Đảng XI, hợp tác Việt Nam-UNESCO có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Khác với trước kia, Việt Nam phải nỗ lực, sẵn sàng đảm nhận nhiều vai trò quan trọng mới như thành viên Ủy ban Di sản thế giới (2013-2017), thành viên Hội đồng chấp hành (2015-2019) cùng nhiều vị trí khác để đóng góp hiệu quả hơn nữa cho UNESCO cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia của mình.
Thời gian tới, UNESCO và Việt Nam sẽ hợp tác để triển khai việc mở rộng Chương trình ký ức thế giới; sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào việc bảo tồn di sản; tăng cường tiếp cận thông tin chất lượng; nâng cao năng lực cơ quan báo chí, truyền thông; mở rộng phạm vi phương tiện truyền thông tới vùng xa xôi, khó khăn cũng như khuyến khích sử dụng ngôn ngữ địa phương phát triển nội dung phục vụ bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa.
Nhìn lại chặng đường đã qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO ngày càng tốt đẹp và bền chặt theo thời gian, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm tiếp theo, UNESCO sẽ tiếp tục là cầu nối và diễn đàn quan trọng để Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của UNESCO.
Đặc biệt, chuyến thăm lần này của bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO, nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO, đẩy mạnh triển khai bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2016-2020, đồng thời thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò, sự đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và tại UNESCO nói riêng.