Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cơn bão Tembin đã đi vào biển Đông, trở thành cơn bão số 16 trong năm nay. Đây là cơn bão mạnh lại di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khi bão đến đảo Trường Sa Lớn (Quần đảo Trường Sa) sẽ còn ở giật ở cấp 13. Vùng từ Bà Rịa- Vũng Tàu đến Cà Mau, Kiên Giang dự báo sẽ là vùng ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão này.
Dự báo, đêm ngày 25 rạng sáng ngày 26/12, bão cập bờ ở cấp 10, cấp 11. Bão sau khi đổ bộ vào đất liền nước ta sẽ di chuyển sang vùng biển Tây, vì thế cần chú ý. Ngoài ra, bão số 16 gây sóng lớn ở Trường Sa trên 10 mét, ở Bà Rịa- Vũng Tàu khoảng 6 mét.
Sáng 24/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn. Ảnh: VH |
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, về công tác ứng phó bão, tỉnh Cà Mau đã tổ chức chằng chống 8.114 ngôi nhà. Hiện các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn. Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học ngày 25 và 26/12.
Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo sở GD&ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng lưu ý các địa phương về nguy cơ tàu thuyền có thể bị chìm ngay tại bến do bị va đập như đã từng xảy ra đối với cơn bão số 12 vừa qua.
Theo Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, hiện Bộ Quốc phòng có 3 Công điện chỉ đạo các Quân khu, các đơn vị quân đội (từ Quân khu 5 trở vào) sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia giúp dân phòng chống ứng phó bão.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là cơn bão mạnh lại có diễn biến rất phức tạp, diện rộng, do đó đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Cần chú ý đảm bảo an toàn tàu thuyền không chỉ trên biển mà thuyền bè, thuyền du lịch, ghe nhỏ trên các sông, kênh, rạch ở khu vực Nam Bộ, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiến hành sơ tán dân ở các vùng ven sông, cửa sông, ven các kênh rạch đến nơi an toàn.
“Chúng ta phải nỗ lực lớn để giảm thiểu thiệt hại khi bão vào, đặc biệt đến tính mạng của người dân. Bởi vùng này nhà cửa rất yếu, người dân lại ít kinh nghiệm ứng phó với bão. Các điểm xung yếu, sóng biển cao gây hư hại đê điều, tài sản nhà cửa của người dân”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, theo ông Thắng, toàn bộ các hoạt động trên biển, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản di dời đến nơi an toàn, tổ chức công tác bảo vệ tài sản cho người dân, ngoài ra, cũng cần đề phòng úng ngập tại các đô thị.
Tính đến sáng 24/12, lực lượng bộ đội biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện với 307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.