Đại diện Các nền kinh tế APEC tham dự cuộc họp chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Nội dung cuộc họp nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, chống buôn bán, phá rừng trái phép, nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC về thương mại gỗ hợp pháp.
Cuộc họp tập trung thảo luận, tìm kiếm các biện pháp tăng cường mối liên kết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho mục đích nói trên; đề xuất các giải pháp tăng cường liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, giữa những hộ nông dân trồng rừng quy mô nhỏ với những công ty chế biến gỗ xuất khẩu đa quốc gia nhằm tăng giá trị cây trồng, đảm bảo chỉ có gỗ khai thác hợp pháp được đưa vào chuỗi cung ứng chế biến xuất khẩu.
Thông tin từ diễn đàn cho biết, diện tích rừng của các nền kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 53% diện tích rừng thế giới, chiếm 60% tổng sản lượng sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới, chiếm 80% tổng giá trị thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu.
Nhiệm vụ của mỗi nền kinh tế là phải bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, thông qua việc thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác hợp pháp.
Nhóm công tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về chống khai thác, thương mại gỗ bất hợp pháp (EGILAT) đã được thành lập từ năm 2011.
Từ đó đến nay, Nhóm này đã thực sự trở thành một diễn đàn rất hiệu quả cho các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin, quan điểm, bài học kinh nghiệm, những thành công, vấn đề liên quan đến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, đối với Việt Nam, những nỗ lực ngăn chặn phá rừng, thực thi pháp luật, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, từng bước chuyển từ nhiều rừng sang rừng có chất lượng tốt hơn… đã đạt được những kết quả tích cực. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2000 - 2015, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng từ 33,2% năm 2010 lên 40,84% năm 2015.